Báo "Thư tín Địa cầu" số ra mới đây dẫn báo cáo của Ngân hàng đầu tư toàn cầu Barclays Capital cho biết, sự bùng nổ xây dựng các tòa nhà chọc trời ở Trung Quốc và Ấn Độ có thể là dấu hiệu cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất châu Á sắp tiến hành điều chỉnh kinh tế đáng kể.
San sát những tòa cao ốc ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Internet |
Báo cáo của Barclays Capital đã đưa ra các dẫn chứng cho thấy một "tương quan không lành mạnh" giữa việc xây dựng các tòa nhà chọc trời và nguy cơ khủng hoảng tài chính. Ngày nay, các tòa nhà chọc trời của Trung Quốc đã chiếm gần một nửa các tòa nhà chọc trời trên thế giới (các tòa nhà cao hơn 240 mét). Trong khi đó, Ấn Độ vốn chỉ có hai tòa nhà, hiện đang phát triển "siêu tốc" với 14 công trình đang được xây dựng, bao gồm cả tòa tháp cao thứ hai thế giới tại thủ đô tài chính Mumbai.
Andrew Lawrence, Giám đốc nghiên cứu tài sản của Barclays Capital tại Hồng Công (Trung Quốc), cho rằng xây dựng bùng nổ là dấu hiệu cho thấy dư thừa tín dụng. Từ trước tới nay, xây dựng bùng nổ thường gắn liền với các vấn đề tài chính. Khi các tòa nhà chọc trời được khánh thành thì cũng là lúc nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Các cuộc khủng hoảng kinh tế và dầu mỏ những năm 1970 trùng hợp với việc hoàn thành tòa tháp đôi tại Trung tâm Thương mại Thế giới New York vào năm 1972 - 1973 và tòa nhà Sears Tower ở Chicago năm 1974. Các cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cũng diễn ra ngay sau khi tòa nhà Petronas Towers ở Cuala Lămpơ (Malaixia) được hoàn thành (năm 1997). Đubai gần như phá sản và thế giới đi dần vào suy thoái sau khi tòa nhà Burj Khalifa, trị giá 4,1 tỷ USD, được khánh thành và hiện đang là tòa nhà cao nhất thế giới.
Báo cáo của Barclays Capital viết: "Rất may cho các nền kinh tế thế giới, các tòa nhà hiện đang được quy hoạch xây dựng không có chiều cao vượt quá Burj Khalifa". Tuy nhiên, những dấu hiệu tồi tệ lại đang đến từ Trung Quốc và Ấn Độ. "Bong bóng" bất động sản của Trung Quốc đang ngày một phình to. Các tòa nhà chọc trời ở Trung Quốc chiếm khoảng 53% trên tổng số 124 tòa nhà đang được xây dựng trên toàn cầu và sự tăng trưởng xây dựng ở Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn, có thể lên đến 87%. Hiện tại, Trung Quốc có khoảng 80% các tòa nhà mới đang được xây dựng ở các thành phố loại 2 và 3, phát triển từ các khu vực ven biển của đồng bằng sông Châu Giang và đồng bằng sông Dương Tử. Theo Barclays, đây là "bằng chứng gia tăng bong bóng xây dựng". Ông Lawrence, tác giả chính của báo cáo, cho biết thị trường bất động sản của Trung Quốc đang dao động. Doanh thu bán bất động sản nhà ở đã giảm từ 40% - 50% ở Bắc Kinh và Thượng Hải và ở các nơi khác giá giảm trung bình 5% - 20%.
Mặc dù hiện nay, Ấn Độ mới chỉ có hai tòa nhà chọc trời. Tuy nhiên, trong quy hoạch mới đã có hơn 14 tòa nhà đang được xây dựng, bao gồm cả tòa tháp cao thứ hai thế giới ở Mumbai. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cho biết các khoản vay trả không đúng hạn ở Ấn Độ đã tăng đáng kể, kéo dài trong gần 1/3 thời gian nửa đầu tài khóa 2011, nhiều hơn gấp ba lần so với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm kể từ năm 2006.
Barclays nhấn mạnh: "Nếu lịch sử đúng thì việc bùng nổ xây dựng ở Ấn Độ và Trung Quốc chỉ đơn giản phản ánh sự phân bổ sai vốn. Và điều này có thể sẽ dẫn đến một điều chỉnh kinh tế đáng kể trong cả hai nền kinh tế lớn nhất châu Á trong 5 năm tới".
Thanh Hải