Trừng phạt lẫn nhau, Nga và EU đều thiệt

Để trả đũa các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Nga mới đây đã ra lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng rau củ, thịt, cá, sữa và các sản phẩm làm từ sữa có nguồn gốc từ Mỹ, EU, Australia, Canada và Na Uy. Mạng tin "Điện tín" cho rằng chiến tranh thương mại luôn để lại những hậu quả hết sức khốc liệt, và cuộc tranh cãi ngày càng căng thẳng giữa Nga và phương Tây cũng không phải ngoại lệ.


EU sứt đầu


Ngày 8/8, các chuyên gia công nghiệp cho rằng lệnh cấm vận của Nga đối với thực phẩm có nguồn gốc từ EU sẽ làm cho ngành xuất khẩu của khối này thiệt hại 10% và gây ra một cuộc khủng hoảng thừa tại châu Âu. Lệnh cấm này sẽ tác động trực tiếp đến nguồn thực phẩm tươi sống đổ vào Nga, đồng thời tạo ra không ít thách thức đối với nhiều nhà xuất khẩu EU, buộc họ phải tìm kiếm đầu ra mới và đối mặt với nguy cơ để mất các thị trường vào tay đối thủ ở các nước đang nổi. Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stephane Le Foll cho biết các Bộ trưởng EU dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị trong tuần tới để "đánh giá" về những hậu quả có thể xảy ra của các lệnh trừng phạt này. Trong khi đó, Đại sứ EU tại Nga Vygaudas Usackas cho biết EU đang cân nhắc đệ trình Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về lệnh cấm nhập khẩu mà Nga vừa công bố.

 

Một quầy bán hoa quả trong siêu thị ở Nga.


Theo các số liệu chính thức của EU, Nga nhập khẩu khoảng 16 tỷ USD lương thực thực phẩm từ các nước thành viên EU, trong đó Đức và Hà Lan là hai nhà cung cấp lớn nhất. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết năm 2013, kim ngạch xuất khẩu Mỹ-Nga đạt 1,2 tỷ USD, tương đương 1% tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp của nước này. Lệnh cấm vận của Nga sẽ chủ yếu tác động vào lĩnh vực xuất khẩu thịt gia cầm, quả hạch, các mặt hàng từ đậu nành và động vật sống, phần lớn là gia súc.

Thế nhưng, với lệnh cấm vận mà Nga vừa tuyên bố, rau củ sẽ là mặt hàng chịu tác động nhiều nhất bởi mỗi năm Nga nhập khẩu số rau củ trị giá khoảng 770 triệu euro từ EU. Hiệp hội các nhà sản xuất thịt bò Pháp cho biết với lệnh cấm vận mà Nga công bố, ngành sản xuất và xuất khẩu thịt bò tại Bỉ, Hà Lan và Đức sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Trong khi đó, theo giới quan sát, Đan Mạch và Hà Lan sẽ là hai nước chứng kiến nhiều thiệt hại đối với lĩnh vực sản xuất bơ sữa. Một chuyên gia nhận định: "Các sản phẩm không được xuất khẩu (vào Nga do lệnh cấm vận) sẽ bị ùn ứ tại châu Âu và gây ra một cuộc khủng hoảng".


Nga cũng “mẻ trán”


Tuy nhiên, nhà kinh tế Neil Shearing - phụ trách khối các thị trường đang nổi tại trung tâm Kinh tế Tư bản ở London - cho rằng tác động từ quyết định này của Nga rất khó lường. Bà nhấn mạnh: "Nhiều khả năng Nga mới là nước mất nhiều nhất trong canh bạc này". Allister Heath - một nhà phân tích được “Điện tín” trích lời - thì cho rằng người tiêu dùng Nga sẽ là các đối tượng đầu tiên chịu tác động trực tiếp của lệnh cấm vận. Họ sẽ phải trả nhiều tiền hơn để mua được các sản phẩm nội địa mà trước đây họ chẳng mấy khi lựa chọn, bởi giá các sản phẩm nhập khẩu thấp hơn nhiều nhờ vào các thỏa thuận tự do thương mại.


Trong khi đó, nông dân châu Âu và các doanh nghiệp thực phẩm cũng sẽ gánh chịu thiệt hại và mất đi những khoản thu nhập quan trọng. Nhiều người sẽ mất việc làm. Ông Heath đặt câu hỏi rằng lệnh cấm vận qua lại giữa hai bên sẽ đem lại những kết quả gì, và sẽ thay đổi được gì? Ông cho rằng cuộc trả đũa giữa Nga và EU sẽ bần cùng hóa thế giới thay vì làm cho nó tốt đẹp hơn. Cuộc chiến này sẽ hủy hoại các trật tự mang tính tự do, hủy hoại công cuộc toàn cầu hóa, đe dọa nền kinh tế thế giới và gia tăng nguy cơ xung đột sâu sắc.


Giáo sư Tyler Cowen tại Đại học George Mason cũng đặt câu hỏi rằng liệu khi công bố quyết định cấm vận EU, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh với người dân rằng họ nên bắt đầu chuẩn bị tâm lý bị cô lập hay chưa?

TTK

Nga tìm cách hạn chế tác động trừng phạt của phương Tây
Nga tìm cách hạn chế tác động trừng phạt của phương Tây

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko và Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev để thảo luận về vấn đề hợp tác giữa ba nước liên quan đến hoạt động kinh tế - thương mại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN