Phát biểu với đài RFI bản tiếng Nga, ông Phillip Pegorier, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh châu Âu, Chủ tịch Hội đồng quản trị chi nhánh của tập đoàn chế tạo khổng lồ Pháp Alstom tại LB Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt theo lĩnh vực mà Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ áp đặt với Nga không chỉ không đạt được các mục đích họ đặt ra mà còn gây tổn hại cho kinh tế châu Âu. Ông Pegorier cũng cho rằng gây ảnh hưởng tới quan điểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện nay không phải là doanh nghiệp mà là các lực lượng sức mạnh của Nga.
Theo ông Pegorier, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (AEB) cho rằng các biện pháp trừng phạt chống Nga là "sự dự báo và các biện pháp tồi. Các biện pháp trừng phạt là quyết định không thành công. Tại sao lại dự báo tồi? Bởi tôi cho rằng các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ nghĩ doanh nghiệp Nga có thể gây ảnh hưởng lên Tổng thống Putin rằng họ có thể đạt được điều gì đó từ tình hình tại Ukraine...".
"...Theo quan điểm của tôi, họ không hiểu nước Nga. Tại Nga doanh nghiệp không bao giờ có thể gây ảnh hưởng tới chính trị, mà ngược lại chính trị tạo ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo châu Âu đã dự đoán sai", ông nói.
Theo người đứng đầu AEB, các kịch bản được phương Tây hoạch định sẽ không trở thành hiện thực. "Họ [các nhà lãnh đạo phương Tây] cho rằng các tài phiệt Nga, do kinh doanh kém hơn, có thể bị thiệt hại và họ có thể gây ảnh hưởng tới lãnh đạo Nga, song tôi cho rằng điều này là không thể", ông nhận định.
Ngày nay có thể gây ảnh hưởng lên quan điểm của Tổng thống Nga là các lực lượng sức mạnh song đây là "vấn đề khác". Nhà quản lý hàng đầu này cho rằng "cần có cuộc thảo luận chính trị" với Nga.
Người đứng đầu AEB cũng tin tưởng các biện pháp trừng phạt kinh tế là quyết định tồi bởi nó gây tác động không chỉ tới kinh tế Nga. Ông phân tích: "Đây sẽ là đòn giáng vào kinh tế châu Âu, vì ở Đức 300.000 người sống bằng các đơn hàng từ Nga, tại Pháp là khoảng 100.000 người, và đương nhiên, đây là nguy cơ thất nghiệp. Điều này rất quan trọng đối với chúng ta. Hơn nữa, đó cũng là đòn giáng vào nền kinh tế Ukraine vì Ukraine là một trong những nhà cung cấp hàng đầu vào Nga. Đặc biệt đòn này sẽ giáng mạnh vào miền Đông Ukraine, nơi có các nhà máy lớn sản xuất theo đơn hàng cho thị trường Nga".
Thêm vào đó ông Pegorier, người đã sống ở Ukraine 9 năm và trước đó tuyên bố tổng thống mới của Ukraine cần trở thành một Nelson Mandela mới, cũng thừa nhận một cách luyến tiếc rằng những kỳ vọng ông đặt vào Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko, đã không trở thành hiện thực. Pegorier nói: "Lẽ ra ông ta cần phải bay ngay tới Donetsk, thỏa thuận với người dân. Thật tiếc, tôi sợ đó là điều quá tham vọng đối với ông ta".
AEB đại diện cho hơn 620 doanh nghiệp, rất nhiều trong số này làm ăn tại Nga và Ukraine. Trong thành phần AEB có các doanh nghiệp khổng lồ như BP, Cargill, Mercedes-Benz, Metro, Procter & Gamble, Shell, DHL, Alstom, E.ON, Enel, Eni, ING, Statoil, Telenor, Total, Volkswagen, Volvo cùng nhiều doanh nghiệp khác.
Duy Trinh (
P/v TTXVN tại Nga)