Trừng phạt dầu mỏ khiến Nga mất 50% ngân sách, nhưng EU tổn thất còn lớn hơn

Một lệnh trừng phạt dầu thô toàn diện của EU nhằm vào Moskva có thể sẽ hủy hoại ngành công nghiệp vốn đang phải vật lộn với khó khăn tại Nga.

Chú thích ảnh
Một trạm bơm dầu trên tuyến đường ống Druzhba vận chuyển dầu thô của Nga sang châu Âu qua Belarus. Ảnh: Reuters

Tin tức nổi bật trong tháng này chính là việc Liên minh châu Âu (EU) lên kế hoạch áp cấm vận dầu thô chống Nga. Chưa có kết luận cuối cùng về một lệnh trừng phạt như vậy và gần như không có chuyện EU sớm thông qua - ít nhất là theo hình thức và cách thức mà Ukraine mong đợi.

Khoảng 25% dầu thô nhập khẩu của EU đến từ Nga. Dầu mỏ và khí đốt hẳn nhiên là mục tiêu trừng phạt mà phương Tây nhắm đến, như đã từng diễn ra với trường hợp của Iran và Venezuela. Nhưng đến thời điểm này, mới chỉ có Mỹ và Anh thông báo trừng phạt dầu thô nhập khẩu từ Nga và cả hai cũng chưa áp dụng tức thời.

EU đang chịu nhiều sức ép, nhất là từ phía Chính phủ Ukraine, trong việc cấm vận dầu mỏ, khí đốt nga. Dựa trên công bố công khai của nhiều quan chức cấp cao, EU đã đưa ra cam kết sẽ thực hiện điều này, với thời điểm áp dụng chưa xác định cụ thể. Cùng lúc, Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu hai mặt hàng này sang toàn châu Âu, bất chấp việc một số khách hàng tại khu vực áp dụng biện pháp “tự cấm vận”, không đặt mua dầu thô của Nga.

Ngành dầu mỏ Nga đã bắt đầu thẩm thấu tác động tiêu cực từ các vòng trừng phạt kinh tế, tài chính của Mỹ và EU. Tổng thống Putin thừa nhận cấm vận đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của ngành kinh tế then chốt này.

Ông ra sắc lệnh yêu cầu lãnh đạo các công ty, tập đoàn năng lượng Nga sớm lên kế hoạch tập trung dịch chuyển dòng chảy năng lượng của Nga từ châu Âu sang châu Á, sẵn sàng đối phó với tình huống phương Tây giảm nhập khẩu dầu khí của Nga.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ một lệnh trừng phạt dầu thô toàn diện của EU sẽ tác động đến khối này ra sao và ảnh hưởng tới Nga như thế nào. Mikhail Khodorkovsky, một nhân vật thường lớn tiếng chỉ trích Điện Kremlin, cho biết một khi ông Putin phải hướng dòng dầu mỏ khí đốt từ châu Âu sang châu Á, nước Nga sẽ mất đi 50% nguồn thu ngân sách.

“Trong tình huống như vậy, liệu ông Putin có tiếp tục cuộc chiến và trong khoảng thời gian bao lâu? Tôi không thể nói trước được. Nhưng tôi nghĩ đó sẽ là cú đánh mạnh nhằm vào Nga”, ông Khodorkovsky chia sẻ với tờ Business Insider.

Không có gì là bất thường khi một nhân vật chống đối, thiên về chỉ trích chính sách của Moskva như ông Khodorkovsky đề cập đến việc Nga dễ bị tổn thương trước một lệnh trừng phạt dầu mỏ. Điểm then chốt đôi khi không nằm ở tác động tuyệt đối của cấm vận đối với Nga, điều mà giới chức điện Kremlin hiếm khi thừa nhận hết. Đó còn là tác động lây lan mà EU phải gánh chịu.

Nga là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ ba thế giới, là nước xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt lớn nhất thế giới. Trước thời điểm Mỹ và phương Tây áp đặt những vòng trừng phạt đầu tiên chống Moskva, hơn 50% dầu thô xuất khẩu của Nga chảy sang EU. Sau diễn biến chiến sự ở Ukraine, dòng dầu của Nga sang EU suy giảm. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), xuất khẩu dầu thô của Nga sẽ còn giảm sâu trong tháng 5 tới.

Lẽ thường, xuất khẩu suy giảm sẽ đi cùng cắt giảm sản lượng và Moskva sẽ là bên cảm nhận rõ tác động này, một cảm nhận không mấy dễ chịu. Thế nhưng một lệnh trừng phạt toàn diện, tức thời đối với dầu thô Nga thậm chí còn khiến EU khó chịu hơn nhiều, bởi cần có thêm thời gian để tìm kiếm, tiếp cận nguồn cung thay thế.

Chính phủ nhiều nước châu Âu đã và đang áp dụng nhiều biện pháp để hỗ trợ người tiêu dùng trong nước trước việc giá nhiên liệu tăng cao, nhất là mặt hàng xăng dầu. Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha bỏ ra một khoản ngân sách lớn để bù giá đối với xăng, dầu diesel. Còn Hà Lan tiến hành giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu để ghìm giá.

Mọi giải pháp này sẽ như “muối bỏ bể” nếu EU áp lệnh trừng phạt toàn diện đối với dầu thô nhập khẩu từ Nga. Quan trọng hơn, EU sẽ phải tìm nguồn thay thế đối với 3 triệu thùng dầu và xăng dầu quy đổi và phải tìm được sớm.

Khu vực này đang mua dầu của Mỹ, nhưng sẽ phải tăng mua nhiều hơn, nhanh hơn – một việc làm không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh không có bất kỳ đường ống dẫn dầu nào xuyên Đại Tây Dương. Đó chính là lý do đến thời điểm này EU vẫn chưa thể đạt được đồng thuận nội khối về cấm vận dầu mỏ chống Nga.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo Oilprice)
Châu Á khó ‘giải cứu’ được Nga khi châu Âu áp trừng phạt dầu mỏ
Châu Á khó ‘giải cứu’ được Nga khi châu Âu áp trừng phạt dầu mỏ

Các nút thắt về hạ tầng, sức ép chính trị cùng với nhu cầu tiêu thụ thấp có thể cản trở châu Á hấp thụ nguồn năng lượng của Nga bị châu Âu “xa lánh”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN