Triều Tiên tuyên bố sắp kết thúc cuộc khủng hoảng COVID-19 

Triều Tiên đang trên lộ trình kết thúc cuộc khủng hoảng do đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên được biết đến ở nước này gây ra. 

Chú thích ảnh
Triều Tiên thông báo 99,98% bệnh nhân sốt ở nước này đã hồi phục hoàn toàn. Ảnh minh họa: Reuters 

Hôm 18/7, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA đã đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh các nước láng giềng châu Á đang chiến đấu với một làn sóng bùng phát mới từ các biến thể phụ của Omicron. 

Quốc gia Đông Bắc Á này thông báo 99,98% trong số 4,77 triệu bệnh nhân bị sốt kể từ cuối tháng 4 đã hồi phục hoàn toàn. Nhưng vì thiếu công cụ xét nghiệm, Bình Nhưỡng đã không công bố bất kỳ số liệu nào về những trường hợp được xác nhận là dương tính với virus SARS-CoV-2. 

KCNA cho biết: “Chiến dịch chống dịch đã được cải thiện để tháo gỡ hoàn toàn cuộc khủng hoảng”. Hãng thông tấn này cho biết  thêm rằng Triều Tiên đã ghi nhận thêm 310 người có các triệu chứng sốt.

Tuy nhiên, tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại bày tỏ nghi ngờ về các tuyên bố của Triều Tiên, khi cho rằng tình hình đang xấu đi chứ không phải tốt hơn.

Một nhà phân tích nhận xét tuyên bố của Triều Tiên có thể là bước dạo đầu để khôi phục lại hoạt động thương mại đang bị cản trở bởi đại dịch.

Tiến sĩ Cheong Seong-chang, Giám đốc Viện Sejong chuyên nghiên cứu về Triều Tiên tại Hàn Quốc nói: “Theo xu hướng hiện tại, Triều Tiên có thể thông báo trong vòng chưa đầy một tháng tới rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 của họ đã kết thúc và đó có thể là bước dạo đầu cho việc nối lại thương mại xuyên biên giới”. 

Bình Nhưỡng cáo buộc đợt bùng phát COVID-19 ở nước này là do những vật thể lạ từ biên giới nước ngoài lây lan vào. Do đó, chính quyền địa phương kêu gọi người dân tránh tiếp xúc với các vật thể lạ. 
Các ca sốt mới hàng ngày ở Triều Tiên đã giảm kể từ khi quốc gia này lần đầu tiên thừa nhận vào giữa tháng 5 rằng họ đang chiến đấu với sự bùng phát của virus SARS-CoV-2. 

Bình Nhưỡng tuyên bố đang tiến hành các đợt kiểm tra y tế chuyên sâu trên toàn quốc, đồng thời xét nghiệm PCR hàng ngày đối với các mẫu nước được thu thập tại khu vực biên giới. Quốc gia Đông Bắc Á này cũng đang phát triển những biện pháp mới để phát hiện nhanh chóng virus SARS-CoV-2 cùng các biến thể, cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, chẳng hạn đậu mùa khỉ. 

Trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát, Triều Tiên ghi nhận số ca sốt hàng ngày cao, tăng lên tới khoảng 400.000 ca. Triều Tiên hiếm khi gọi các ca sốt này là COVID-19, có lẽ là do nước này thiếu bộ xét nghiệm. Ngoài ra, trong vài tháng qua, quốc gia này cũng phải đối mặt một đợt bùng phát dịch ruột cấp nghiêm trọng. 

Tuyên bố "ổn định chống dịch" của Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia châu Á khác đang phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm mới.

Trung Quốc đã bổ sung thêm 598 ca mắc COVID-19 mới vào ngày 17/7. Con số của một ngày trước đó là 691 ca. 

Tại Hàn Quốc, số ca mắc hàng ngày đã tăng vọt vào hôm 12/7, lần đầu tiên vượt trên 40.000 ca sau hai tháng. Giới chức trách và chuyên gia dự đoán nước này sẽ có thêm hàng trăm nghìn ca mới trong những tuần tới.

Nhật Bản cũng cảnh báo về làn sóng lây nhiễm thứ 7 với sức lan tuyền nhanh hơn trước. Riêng số ca mắc mới ở Tokyo hôm 13/7 đã là 16.878 ca, nâng tổng số trường hợp trên toàn quốc trong ngày hôm đó lên trên 90.000 ca. Đây là mức gia tăng chưa từng thấy kể từ đầu năm nay.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Ukraine cắt đứt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên
Ukraine cắt đứt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên

Ngày 13/7, truyền thông nhà nước Nga đưa tin Ukraine đã quyết định cắt đứt quan hệ với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng công nhận hai nước cộng hòa tự xưng ở khu vực Donbass.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN