Triều Tiên nằm ở đâu trên bàn đối thoại Mỹ-Trung tại G20?

Nhiều nhà quan sát đánh giá Triều Tiên sẽ là nội dung quan trọng lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc bàn thảo khi cùng gặp gỡ tại Argentina ngày 1/12.

Tuy nhiên, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho rằng quan điểm khác biệt giữa hai quốc gia liên quan đến Triều Tiên dự kiện không dẫn đến thay đổi đáng kể.

Ngày 1/11, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã điện đàm, thống nhất cùng gặp gỡ tại Argentina khi cùng dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi (G20).

Chú thích ảnh
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến thăm tới Trung Quốc đã gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: The Straits Times

Các nhà phân tích dự đoán Mỹ và Trung Quốc sẽ tái khẳng định lập trường về phi hạt nhân Triều Tiên và cam kết đối với các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc lên chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhằm tạo tiếng nói chung khi vẫn tồn tại khác biệt lớn giữa hai quốc gia về thương mại.

Ông Zhao Tong tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua (Bắc Kinh) cho biết cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra là thách thức có thể ảnh hưởng tới quyết định của Trung Quốc dàn xếp với Mỹ. Điều này nhiều khả năng lặp lại ở Buenos Aires.

Ông Zhao Tong đánh giá Trung Quốc có thể quyết định hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ về Triều Tiên để Washington ngừng chiến tranh thương mại bởi trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gợi ý với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng nếu Bắc Kinh hỗ trợ về vấn đề Bình Nhưỡng thì ông chủ Nhà Trắng sẽ áp dụng phương pháp mềm mỏng hơn trong xung đột thương mại.

Nhưng nhiều nhà quan sát lại không đồng tình với quan điểm của ông Zhao Tong bởi cho rằng hỗ trợ tài chính của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng sẽ duy trì do không tin tưởng Mỹ.

Một cựu nhân viên ngoại giao Mỹ, ông Sean King, đánh giá hỗ trợ tài chính của Bắc Kinh cho Bình Nhưỡng sẽ duy trì để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc. “Ngay cả khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc tăng mạnh thì Bắc Kinh vẫn hỗ trợ tài chính cho Triều Tiên bằng mọi giá”.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: New York Post

Trong khi đó, ông Harry Kazianis tại Trung tâm vì lợi ích Quốc gia (trụ sở ở Washington) dự kiến cuộc gặp ngày 1/12 tới sẽ không thể đẩy Triều Tiên đến phi hạt nhân hoàn toàn. Ông Kazianis cho rằng Bắc Kinh sẽ tìm cách lảng tránh hoặc đề xuất giảm áp lực trừng phạt lên Bình Nhưỡng.

Giáo sư Zhang Baohui tại Trung tâm nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương ở Đại học Lingnan (Hong Kong, Trung Quốc) có quan điểm rằng vấn đề Triều Tiên có phụ thuộc vào mối quan hệ Bắc Kinh-Washington. Ông Zhang Baohui đánh giá để gây áp lực cho Tổng thống Trump, Trung Quốc chắc chắn sẽ không từ bỏ Triều Tiên.

Trong một diễn biến liên quan, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) đưa tin một đoàn đại biểu Triều Tiên do Thứ trưởng Ngoại giao Pak Myong-guk dẫn đầu đã đến thăm Bắc Kinh vào ngày 17/11 để dự Ủy ban Biên giới chung Trung Quốc-Triều Tiên.

Hà Linh/ Báo Tin tức
Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ ‘7 phút rùng rợn’ các sát thủ phân xác nhà báo Khashoggi
Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ ‘7 phút rùng rợn’ các sát thủ phân xác nhà báo Khashoggi

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã tiết lộ một vài chi tiết rùng rợn trong băng ghi âm ghi lại quá trình các sát thủ phanh thây nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN