Chiến tranh thương mại khiến số phận tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc 'lửng lơ'

Tiến độ thi công tàu sân bay mới nhất của Trung Quốc đang chậm lại vì căng thẳng đang diễn ra với Mỹ và công cuộc cải tổ quân đội của Bắc Kinh.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) ngày 27/11 dẫn nguồn tin quân sự giấu tên cho biết thông tin trên.

Trong khi đó, ngày 25/11, hãng thông tấn Xinhua đưa tin quân đội Trung Quốc đã bắt tay vào việc đóng tàu sân bay thế hệ mới nhất – hàng không mẫu hạm thứ 3 của nước này – mang tên Lớp 002.

Chú thích ảnh
Tàu sân bay lớp 001A của Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất mang tên lớp 001A đã hạ thủy vào tháng 4/2017. Trong khi đó, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có tên Liêu Ninh vốn là hàng không mẫu hạm cũ Varyag lớp Đô đốc Kuznetsov. Trung Quốc mua lại tàu Varyag từ Ukraine năm 1998 và tiến hành đại tu hàng không mẫu hạm này thành tàu sân bay Liêu Ninh.

Theo nguồn thạo tin của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, việc đặt ky tàu sân bay lớp 002 đã hoàn thành. Tàu sân bay này dự kiến trang bị hệ thống phóng chiến đấu cơ hiện đại nhất thế giới cũng như công nghệ điện từ trường có tên EMALs tương tự loại đang được hàng không mẫu hạm Mỹ USS Gerald Ford sử dụng. EMALs được đánh giá ít gây trầy xước đối với chiến đấu cơ và tạo điều kiện để những phương tiện này cất cánh nhanh nhất.

Tuy nhiên, tiến độ đóng hàng không mẫu hạm Lớp 002 đã chậm lại bởi thiếu ngân sách do tác động từ chiến tranh thương mại với Mỹ và giá thành tiêm kích hạm J-15 tăng.

Bản thân dòng tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề và từng bị “cấm túc” trong 3 tháng sau một tai nạn nghiêm trọng trong năm 2016. Ngoài ra tuổi thọ động cơ của tiêm kích hạm J-15 này vẫn khá khiêm tốn. Mặc dù đã được nâng cấp nhưng động cơ của J-15 mới đạt mức 1.500 giờ trong khi nếu đem so sánh thì động cơ của F-18 Super Hornet trên hàng không mẫu hạm Mỹ đạt được mức 4.000 giờ bay.

Trung Quốc đã lên kế hoạch đến năm 2030 sở hữu 4 hàng không mẫu hạm tuy nhiên các chuyên gia đánh giá yếu tố chính trị và kinh tế đang gây ảnh hưởng tới chương trình này. Và một trong những yếu tố được đề cập là cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra giữa Mỹ-Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhận thức rõ rằng hải quân nước này vẫn chưa thể đối trọng với Hải quân Mỹ khi lực lượng này sở hữu tới 11 tàu sân bay.

Cuộc chiến Thương mại Mỹ-Trung đã nổ phát súng đầu tiên vào tháng 7 khi Washington tăng 25% thuế lên hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Bắc Kinh. Trung Quốc đã “giãy nảy” trước quyết định của Mỹ và tuyên bố đáp trả.

Tính từ tháng 7, Mỹ đã áp mức thuế mới lên số hàng hóa nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD từ Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc cũng áp dụng mức thuế tương tự với 110 tỷ USD hàng hóa nhập từ Mỹ. Trong tháng 9, Tổng thống Mỹ cảnh cáo mở rộng mức thuế lên số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 267 tỷ USD.

Giới chuyên gia kinh tế của Mỹ-Trung Quốc và thế giới đánh giá cuộc chiến thương mại đang khiến cả hai nền kinh tế hàng đầu này bị tổn thương.

Hà Linh/ Báo Tin tức
Tổng thống Mỹ doạ tiếp tục tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc
Tổng thống Mỹ doạ tiếp tục tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc

Ngày 26/ 11, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết “nhiều khả năng” ông sẽ tiếp tục tăng mức áp thuế lên 25% từ mức 10% hiện nay với gói hàng hóa trị giá 267 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc như dự kiến vào năm sau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN