Theo trang mạng Quartz, các chuyên gia ước tính Bình Nhưỡng đang sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản khoảng 6.000 tỷ USD. Phần lớn “kho báu” này còn chưa được khai thác, bao gồm rất nhiều mỏ sắt, vàng, ma-giê, kẽm, đồng, đá vôi, graphite và mô-líp đen.
Tầng đá nền tại đây cũng chứa đựng một lượng lớn các chất kim loại quý dùng để chế tạo linh kiện điện thoại thông minh và các sản phẩm công nghệ khác.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA |
Dù có sẵn tài nguyên dồi dào ngầm dưới đất nhưng các chuyên gia cho rằng việc tận dụng “kho báu” này cũng là một vấn đề không dễ dàng đối với Triều Tiên.
Ước tính chính xác về sự “giàu có tiềm năng” của Triều Tiên là rất khó để thực hiện. Tuy nhiên theo tờ The Economist, một báo cáo năm 2012 do một viện nghiên cứu của Hàn Quốc tiến hành đã ước lượng nguồn tài nguyên khoáng sản ở Triều Tiên phải trị giá lên tới 10.000 tỷ USD.
Ông Leonid Petrov, một chuyên gia về Triều Tiên nhận xét con số ước tính 6.000 tỷ USD không phải là phi thực tế, song thừa nhận rằng để xác định một con số chính xác tuyệt đối là rất khó khăn.
Ông cho biết Bình Nhưỡng đã xuất khẩu khoáng sản cho các nước như Trung Quốc và Nga hàng thập kỷ nay nhưng hiện tại hoạt động này đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận quốc tế.
Ngoài ra do sự thiếu hụt các thiết bị khai mỏ phù hợp, thiếu vốn đầu tư nước ngoài và ít đối tác mua các loại khoáng sản hiếm nên Bình Nhưỡng lại càng gặp khó để bán các sản phẩm được khai thác từ lòng đất.
Triều Tiên đã bị các nước lên án vì chương trình thử vũ khí hạt nhân và tên lửa của nước này. Từ đầu năm 2017 tới nay, Bình Nhưỡng đã phóng 12 quả tên lửa, vượt quá con số 10 quả tên lửa của cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 3 vừa qua, Liên hợp quốc đã mở rộng
các biện pháp trừng phạt lên Bình Nhưỡng nhằm khiến nước này phải từ bỏ chương trình hạt nhân. Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Triều Tiên, đã ngừng nhập khẩu than và vàng của nước này cũng như không bán nhiên liệu máy bay và các sản phẩm xăng dầu dùng để nạp nhiên liêu tên lửa cho Bình Nhưỡng.