Triều Tiên có thể đã hoàn tất chương trình vũ khí chiến thuật tầm ngắn mới

Các chuyên gia ngày 1/11 nhận định, vụ thử nghiệm hệ thống phóng rocket đa nòng cỡ siêu lớn hôm 31/10 của Triều Tiên rõ ràng đánh dấu việc nước này hoàn tất chương trình phát triển một vũ khí chiến thuật tầm ngắn nữa, có khả năng gây khó khăn hơn cho các năng lực phòng thủ tên lửa và hỏa tiễn của Hàn Quốc.

Triều Tiên ngày 31/10 đã khai hỏa hệ thống phóng rocket đa nòng cỡ siêu lớn từ thành phố Sunchon  ở miền Tây nước này hướng ra Biển Nhật Bản trong lần thử thứ 3 đối với hệ thống này trong vòng khoảng 2 tháng. Bình Nhưỡng tuyên bố vụ thử thành công.

Chú thích ảnh
Hệ thống phóng rocket đa nòng cỡ siêu lớn được phóng thử tại vùng phía Tây của Triều Tiên hướng về Biển Nhật Bản, ngày 31/10/2019. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Theo các chuyên gia, hệ thống phóng siêu lớn này là vũ khí tầm ngắn thứ 4 mà Triều Tiên phô trương trong một loạt vụ bắn thử trong năm nay. Hệ thống này được cho là sẽ trở thành một trong những khí tài chủ chốt của Bình Nhưỡng nhằm vào Hàn Quốc.

Shin Jong-woo, nhà phân tích kỳ cựu tại Diễn đàn An ninh Quốc phòng Hàn Quốc ở Seoul nói: "Vụ thử tuần này dường như nhằm xác định những khả năng vận hành phóng thử của hệ thống mới này, và lần này Triều Tiên trên thực tế đã rút ngắn được đáng kể thời gian bắn". 

Trong khi đó, ông Kim Dong-yup, Giáo sư Viện Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam nhận định, sau vụ phóng thử thành công này, Triều Tiên sẽ tìm cách đưa hệ thống này vào hoạt động trong tương lai gần.

Hiện nay, Triều Tiên vận hành một vài hệ thống phóng rocket đa nòng như loại có đường kính 122 mm, 240 mm và 300 mm. Trong đó, loại 240 mm được cho là có thể phóng 40 loạt vật thể trong một phút. 

Chuyên gia tên lửa Kwon Yong-soo lại nhấn mạnh: "Các hệ thống phóng đa nòng như vậy sẽ rất hữu ích cho Triều Tiên do nó có thể thực hiện thành công nhiều vụ phóng trong một khoảng thời gian ngắn mà  khó có thể bị phát hiện và đánh chặn". Theo ông, Triều Tiên có thể thay thế các tên lửa đạn đạo tầm ngắn loại Scud bằng các hệ thống phóng đa nòng để đảm bảo cách thức tấn công tốn ít kinh phí hơn song lại dễ dàng quản lý và có sức công phá như tên lửa".

Trong 12 vụ thử vũ khí của Triều Tiên cho đến nay được bắt đầu hồi tháng 5 vừa qua sau 18 tháng gián đoạn, Triều Tiên đã ca ngợi thử tổng cộng 5 loại vũ khí mới, trong đó có 2 loại là hệ thống phóng rocket đa nòng. Ba loại vũ khí khác là phiên bản của tên lửa đan đạo Iskander của Nga, phiên bản hệ thống tên lửa chiến thuật đất đối đất (ATACMS) của Mỹ và  tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), Pukguksong-3. 

Chuyên gia về tên lửa thuộc Đại học Aerospace, Chang Young-keun nhận định Triều Tiên sẽ tiếp tục tập trung phát triển các loại vũ khí thông thường này đồng thời  thúc đẩy song song các cuộc đàm phán về phi hạt nhân. 

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, đài truyền hình KBS Hàn Quốc dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington đã nắm rõ nội dung báo cáo về vụ thử tên lửa ngày 31/10 của Triều Tiên và đang theo dõi tình hình, thảo luật chặt chẽ với hai nước đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản về vụ việc.  

Tuy nhiên, quan chức Mỹ tránh trả lời về ảnh hưởng (nếu có) của vụ phóng tên lửa đến đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa. Điều này trùng khớp với lập trường từ trước tới nay của Tổng thống Mỹ Donald Trump là không can thiệp vào hoạt động phóng tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên.

Minh Châu (TTXVN)
Ẩn ý sau vụ thử ‘vũ khí chiến thuật’ mới của Triều Tiên
Ẩn ý sau vụ thử ‘vũ khí chiến thuật’ mới của Triều Tiên

Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 18/4 thông báo nước này vừa thử một vũ khí dẫn đường “chiến thuật”, song không miêu tả chính xác đó là loại vũ khí gì.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN