Trên 20 triệu ca mắc COVID-19 đã được điều trị khỏi bệnh

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 22h00 ngày 10/9 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 28.099.320 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 909.187 ca tử vong. Số trường hợp được điều trị khỏi bệnh là 20.159.790 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với 195.318 trường hợp tử vong trong tổng số 6.553.538 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 75.328 ca tử vong trên 4.494.389 ca bệnh. Brazil đứng thứ ba với 128.653 ca tử vong trong số 4.199.332 bệnh nhân.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangalore, Ấn Độ, ngày 1/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe là những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 302.677 ca tử vong trong tổng số 7.987.465 ca nhiễm; tiếp đó là châu Âu 219.820 ca tử vong trên 4.333.865 ca mắc bệnh. Châu Á có 110.197 ca tử vong trên 6.118.176 ca mắc COVID-19; Trung Đông có hơn 39.000 ca tử vong; châu Phi có hơn 31.800 ca tử vong và số ca tử vong do COVID-19 tại châu Đại dương là 841 người.

Xét trên tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi cứ 100.000 người dân có 92 người không qua khỏi đại dịch này; tiếp đó là Bỉ (với tỷ lệ 86 người), Tây Ban Nha (63 người), Anh (61 người) và Bolivia (61 người).

Tại tâm dịch châu Á, trong vòng 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận thêm gần 96.000 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và hơn 1.100 ca tử vong. Với số ca nhiễm mới theo ngày trên, Ấn Độ đang tiến sát đến ngưỡng 100.000 ca nhiễm/ngày. Đến nay chưa có nước nào trên thế giới ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức này hay thậm chí là gần với ngưỡng này.

Tất cả những ca xét nghiệm bằng phương pháp kháng thể nhanh (RAT) có kết quả âm tính tại Ấn Độ, trong đó có những ca có các triệu chứng như ho, sốt hoặc khó thở và cả những ca không có biểu hiện bệnh sẽ được xét nghiệm lại bằng phương pháp RT-PCT. Bộ Y tế Ấn Độ khẳng định: "Đây là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo rằng tất cả những ca có triệu chứng mắc COVID-19 có kết quả âm tính không có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hoặc khi tiếp xúc, đồng  thởi đảm bảo việc phát hiện, cách ly và đưa đi bệnh viện sớm những trường hợp có kết quả sai.

Trước tình trạng số người mắc COVID-19 tại thủ đô Jakarta của Indonesia liên tục tăng cao và các cơ sở y tế quá tải, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan đã quyết định kể từ ngày 14/9 tới tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội quy mô lớn (PSBB) giống như giai đoạn đầu của dịch. Với việc tái áp đặt PSBB, người dân Jakarta sẽ trở lại hoạt động, cầu nguyện, làm việc và học tập tại nhà. Bắt đầu từ ngày 14/9, tất cả các hoạt động của văn phòng, công sở cũng sẽ được thực hiện tại nhà.

Chỉ có 11 lĩnh vực thiết yếu sẽ được phép hoạt động, trong khi 11 lĩnh vực không thiết yếu đã được cấp phép hoạt động sẽ được đánh giá lại. Tất cả các địa điểm vui chơi giải trí sẽ đóng cửa trở lại và các hoạt động tụ tập đông người cũng sẽ bị cấm. Các địa điểm thờ tự chỉ được phép mở cửa ở cấp độ làng hoặc khu dân cư và chỉ những người dân địa phương mới được phép sử dụng. Đặc biệt, các địa điểm thờ tự nằm trong các vùng và khu vực “đỏ” có nhiều trường hợp mắc COVID-19 sẽ không được mở cửa.

Tình hình dịch COVID-19 ở Myanmar cũng chưa có dấu hiệu lắng dịu.Myanmar đã siết chặt các biện pháp phong tỏa ở Yangon, thành phố lớn nhất nước này với khoảng 5 triệu dân, sau khi phát hiện thêm 120 ca bệnh trên cả nước, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Nhà chức trách Myanmar đã gia hạn lệnh ở nhà tại gần 50% số khu vực ở thành phố Yangon, nơi ghi nhận phần lớn số ca mắc mới. Tuy nhiên, các cơ quan chính phủ và nhà máy vẫn được phép mở cửa và người lao động được miễn trừ lệnh trên. Myanmar đã có hơn 2.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 14 ca tử vong. Tỷ lệ lây nhiễm ở nước này hiện tăng gấp 4 lần so với thời điểm một tháng trước. Tình hình dịch diễn biến phức tạp buộc nhà chức trách phải ra lệnh đóng cửa trường học trên toàn quốc và tái áp đặt các hạn chế.

Tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo đã quyết định hạ một bậc trong thang cảnh báo dịch COVID-19, sau khi liên tục duy trì mức cảnh báo cao nhất trong hai tháng qua. Giới chức Nhật Bản cho biết quyết định này phù hợp với kết luận của hội đồng chuyên gia y tế đưa ra tại cuộc họp thường kỳ phân tích, đánh giá tình hình dịch COVID-19. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Tokyo cũng có kế hoạch từ ngày 15/9 dỡ bỏ lệnh cấm các quán rượu và karaoke mở cửa sau 22h.

Số liệu mới nhất cho thấy trong 7 ngày gần đây số ca mắc COVID-19 trung bình mỗi ngày tại Tokyo là 149 ca, giảm so với 183 ca ghi nhận hồi tuần trước. Là địa phương chịu tác động mạnh nhất trong số 47 tỉnh ở Nhật Bản, hiện Tokyo ghi nhận tổng cộng 22.444 ca mắc. Các chuyên gia cho rằng tốc độ lây lan dịch bệnh đang có dấu hiệu giảm, tuy nhiên, vẫn cần phải đưa ra cảnh báo về nguy cơ dịch bùng phát mạnh trở lại. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng quyết định duy trì cảnh báo tăng cường hơn nữa hệ thống y tế tại Tokyo, do dịch COVID-19 dự báo sẽ tiếp tục đặt gánh nặng lên cơ sở y tế trong thời gian tới.

Tại châu Âu, trong ngày 10/9, chính quyền vùng Basque ở Tây Ban Nha đã quyết định đóng cửa trường tiểu học Zaldibar sau khi một số giáo viên có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là trường học đầu tiên phải đóng cửa hoàn toàn ngay trong tuần đầu tiên học sinh trên cả nước được trở lại trường sau 6 tháng nghỉ phòng dịch. Trước đó, một số lớp học tư nhân đã phải học từ xa và một số nhóm giáo viên đã phải cách ly. Theo số liệu cập nhật, Tây Ban Nha đến nay đã ghi nhận tổng cộng 543.379 ca nhiễm, trong đó có 29.628 ca tử vong.

Trong khi đó, báo Washington Post cho biết số trẻ em có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tại bang Florida (Mỹ) đã tăng 34% kể từ khi trường học được mở lại ở bang này. Cụ thể, có tới 10.513 em nhỏ dưới 18 tuổi đã nhiễm bệnh kể từ đầu tháng 8. Hiện chưa rõ bao nhiêu % tham gia học trực tiếp tại trường và bao nhiêu % học từ xa. Theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ, cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ nhiễm dưới 5% là an toàn để các trường học có thể mở lại. Con số này ở bang Florida hiện là 14,5%.

Công ty dược phẩm AstraZeneca (Anh) ngày 10/9 khẳng định vẫn có thể cung cấp vaccine phòng COVID-19 vào cuối năm nay, mặc dù một thử nghiệm lâm sàng liên quan loại vaccine này đang tạm thời đình chỉ. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh ngày 9/9, AstraZeneca thông báo công ty này đã "tự nguyện tạm dừng" việc thử nghiệm loại vaccine đang cùng nghiên cứu với Đại học Oxford, sau khi một tình nguyện viên người Anh phát sinh một căn bệnh chưa rõ nguyên nhân.

Một ủy ban độc lập được lập ra để xem xét mức độ an toàn của nghiên cứu này. Mặc dù vậy, AstraZeneca cho biết đây là một "hành động thường xuyên" được tiến hành để duy trì tính toàn vẹn của các cuộc thử nghiệm. Giám đốc điều hành Soriot nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ được ủy ban này hướng dẫn về thời điểm có thể khởi động trở lại các cuộc thử nghiệm, để chúng tôi có thể tiếp tục công việc của mình trong thời gian sớm nhất".

Loại vaccine mà AstraZeneca đang phát triển - có tên là AZD1222 - là một trong số 9 vaccine tiềm năng phòng COVID-19 trên thế giới đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Thanh Phương  (TTXVN)
COVID-19 tới 6 giờ sáng 10/9: Thế giới gần 28 triệu ca bệnh; Ấn Độ lập kỷ lục ca mắc mới
COVID-19 tới 6 giờ sáng 10/9: Thế giới gần 28 triệu ca bệnh; Ấn Độ lập kỷ lục ca mắc mới

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 265.341 trường hợp mắc COVID-19 và 5.813 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên gần 28 triệu người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN