Hơn 19,88 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 7 triệu ca đang được điều trị với khoảng 1% là các ca nặng hoặc nguy kịch.
Tại châu Á, tâm dịch Ấn Độ ghi nhận thêm 89.706 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 1.115 ca tử vong vì dịch bệnh trong 1 ngày, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 4.370.128 ca và 73.890 ca. Ấn Độ hiện là nước có số ca mắc cao thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Số ca COVID-19 tại quốc gia này gia tăng mạnh trong thời gian qua, đạt mốc 2 triệu ca vào ngày 7/8, sau đó là 3 triệu ca vào ngày 23/8 và đến ngày 5/9, số bệnh nhân đã lên tới 4 triệu ca. Giới chuyên gia lo ngại xu hướng này sẽ diễn ra nhanh hơn khi Ấn Độ trong tháng này bắt đầu từng bước nối lại dịch vụ tàu điện ngầm, mở cửa một phần trường học, mở trở lại quán bar và hộp đêm.
Trong khi đó, chính quyền thủ đô Tokyo (Nhật Bản) thông báo thêm 149 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới vượt ngưỡng 100. Tuy nhiên, đây cũng là ngày thứ 6 liên tiếp số ca mắc mới trong ngày tại vùng đô thị 14 triệu dân này được kiềm chế dưới ngưỡng 200. Là địa phương chịu tác động mạnh nhất trong số 47 tỉnh ở Nhật Bản, hiện Tokyo ghi nhận tổng cộng 22.168 ca mắc.
Giới chức Hàn Quốc vẫn duy trì cảnh giác với các ổ dịch rải rác trên cả nước dù ngày 9/9 đánh dấu ngày thứ 7 liên tiếp số ca nhiễm mới trong ngày dưới mức 200 ca. Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc giảm mạnh sau ngày 27/8 - thời điểm nước này ghi nhận tới 441 ca nhiễm mới trong ngày. Đường biểu đồ số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc liên tục tăng, giảm xen kẽ, trong bối cảnh quốc gia Đông Bắc Á này khôi phục các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận thêm 6 ca mắc mới, mức thấp nhất trong vòng 2 tháng qua và chính quyền đặc khu quyết định gia hạn chương trình xét nghiệm diện rộng thêm 3 ngày, đến ngày 14/9. Làn sóng lây nhiễm thứ 3 tại Hong Kong, bắt đầu từ đầu tháng 7, tới nay đã được khống chế khi số ca mắc mới trong cộng đồng duy trì ở mức thấp trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh dịch có dấu hiệu lắng dịu, chính quyền đặc khu hành chính này muốn thiết lập “bong bóng du lịch” với 11 nước gồm Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Australia và New Zealand, để phục hồi ngành hàng không, du lịch và khách sạn hiện đang gặp khó khăn tại vùng lãnh thổ này.
Tại Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận thêm 3.307 ca mắc mới và 106 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 203.342 ca và 8.336 ca. Tổng số bệnh nhân COVID-19 phục hồi tại Indonesia là 145.200 người. Hiện virus đã lây lan ra 34 tỉnh thành trên cả nước. Đáng chú ý, giới chức y tế Indonesia cho biết các vùng dịch có nguy cơ lây nhiễm cao ở nước này đã mở rộng trong thời gian gần đây với số ca mắc gia tăng. Chính quyền thủ đô Jakarta, tâm dịch của Indonesia, thông báo sẽ tái áp dụng các biện pháp hạn chế trên diện rộng vì số ca mắc mới gia tăng đang gây áp lực với hệ thống y tế của vùng này. Theo đó, các biện pháp hạn chế từng được áp dụng từ tháng 4 tới tháng 6 sẽ được khôi phục "sớm nhất có thể".
Singapore sẽ phát miễn phí thiết bị truy vết có tên TT Token (TraceTogether Token) trên diện rộng bắt đầu từ ngày 14/9 tới đây và thí điểm thực hiện chương trình “SafeEntry” (Lối vào an toàn) chỉ sử dụng thiết bị TT Token hoặc ứng dụng TT Token trên điện thoại thông minh tại một số điểm. Theo kế hoạch, thiết bị TT Token sẽ được phát miễn phí cho tất cả những người đang sinh sống tại Singapore, dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng 11.
Tại châu Âu, Nghị viện châu Âu đã phải đổi địa điểm họp do tình hình dịch diễn biến phức tạp tại Pháp. Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli cho biết kế hoạch tổ chức phiên họp toàn thể tại thành phố Strasbourg vào tuần tới đã bị hủy sau khi thành phố của Pháp này bị liệt vào "vùng đỏ" của dịch COVID-19. Dự kiến phiên họp toàn thể Nghị viện châu Âu từ ngày 14-17/9 sẽ diễn ra tại Brussels. Nghị viện châu Âu có hai trụ sở, trong đó phần lớn công việc được triển khai tại thủ đô Brussels của Bỉ, bên cạnh các cơ quan khác của Liên minh châu Âu (EU), trong khi đó các phiên họp thường lệ được tổ chức tại Strasbourg. Pháp đang phải đối mặt với sự bùng phát một đợt dịch COVID-19 mới và hôm 6/9, nước này đã bổ sung thêm 7 khu vực vào danh sách "vùng đỏ", bao gồm các thành phố miền Đông như Lille, Strasbourg và Dijon.
Trong khi đó, tối 8/9, Anh công bố quy định mới siết chặt giãn cách xã hội tại vùng England, theo đó cho phép số người tụ tập tối đa là 6 người, thay vì 30 người như trước đây. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm virus tại Anh tăng vọt. Trong 3 ngày qua số ca nhiễm mới là 8.396 ca, riêng trong ngày 8/9 số ca mới ghi nhận là 2.460 ca.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã công bố thêm các biện pháp phòng dịch trong bối cảnh số ca mắc trong ngày tại đây đã vượt quá 1.700 ca. Theo đó, các nhà hàng, quán cà phê cũng như tất cả các địa điểm giải trí và ăn uống sẽ ngừng hoạt động sau nửa đêm. Sắc lệnh cũng quy định người dân bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả các khu vực công cộng. Ngoài ra, Bộ Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ thông báo điều chỉnh kế hoạch mở lại các trường học vào cuối tháng 9 này sau khi đóng cửa từ hồi tháng 3 để phòng dịch. Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường các biện pháp phòng dịch sau khi ghi nhận thêm 1.761 ca mắc COVID-19 trong ngày 8/9, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 283.270 ca. Trong khi đó, số ca tử vong tại nước này tăng thêm 52 ca lên 6.782 ca.
CH Séc đã ghi nhận số ca nhiễm trong một ngày ở mức cao nhất, 1.164 ca. Đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng 3, số ca nhiễm mới trong ngày vượt 1.000 ca. Theo Trung tâm Phòng và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), tốc độ tăng ca nhiễm ở Séc nằm trong số nhanh nhất châu Âu. Từ 9/9, thành phố này bắt đầu thực hiện bắt buộc đeo khẩu trang trong các trung tâm thương mại, cửa hàng, bưu điện, nhà ga, sân bay, và trên các phương tiện công cộng, trong khi các nhà hàng, quán bar… phải đóng cửa từ 24h đến 6h sáng (giờ địa phương).
Tại châu Mỹ, tổng hợp các số liệu thống kê chính thức cho biết số ca tử vong vì dịch tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe tính đến hết ngày 8/9 đã vượt 300.000 ca, trong đó riêng tại Peru là hơn 30.000 ca tử vong. Brazil là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực khi ghi nhận tổng số ca nhiễm virus cao thứ 3 thế giới với 4.162.073 ca và số ca tử vong cao thứ 2 toàn cầu với 127.464 ca.
Tại Canada, Ontario - tỉnh bang đông dân nhất nước này, đã quyết định tạm ngừng nới lỏng thêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong khoảng 4 tuần do số ca nhiễm mới tại đây đang có chiều hướng gia tăng. Riêng trong ngày 8/9, tỉnh bang Ontario có thêm 185 ca nhiễm virus, sau khi ghi nhận số ca mới mắc cao nhất kể từ ngày 24/7 (190 ca hôm 7/9). Ở bờ Tây, tỉnh British Columbia đã yêu cầu các câu lạc bộ giải trí ban đêm và các địa điểm tổ chức tiệc lớn phải đóng cửa trở lại do giới chức y tế địa phương xác định các cơ sở này là một trong những nguồn lây bệnh chính. Như vậy, British Columbia đã trở thành tỉnh đầu tiên của Canada rút lại một số biện pháp nới lỏng, trong bối cảnh kể từ ngày 4/9 đến nay, địa phương này ghi nhận thêm 429 ca nhiễm mới. Tính trên toàn lãnh thổ Canada, số ca nhiễm virus hiện đã lên tới 133.748, trong đó có 9.153 ca tử vong. Theo giới chức y tế Canada, số ca mắc mới ghi nhận mỗi ngày tại nước này trong tuần qua ở mức trung bình 545 ca, so với mức 300 ca/ngày trong tháng 7. Nhiều người lo ngại số ca nhiễm tăng nhanh khi các trường học trên cả nước bắt đầu mở cửa trở lại.
Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo sự gián đoạn các dịch vụ y tế do đại dịch đang đẩy thêm hàng triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới đối diện với các nguy cơ đe dọa tính mạng, đồng thời cảnh báo đại dịch có nguy cơ đảo ngược những tiến bộ đạt được trong nhiều thập kỷ về giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ. Theo báo cáo điều tra mới đây do Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành tại 77 quốc gia, hoạt động khám chữa bệnh và tiêm chủng ở trẻ em tại ít nhất 68% số các nước này đã bị gián đoạn trong thời gian qua do đại dịch.