“Chúng ta không nên coi đồ nhựa là kẻ thù, cũng như không nên tẩy chay những người dùng chúng. Điều chúng ta cần làm bây giờ là xử lý rác thải sao cho phù hợp và tìm ra các giải pháp thông qua cải tiến kỹ thuật”, Thủ tướng Shinzo Abe nói trong một bài phát biểu hôm 6/10 tại một cuộc họp về khoa học công nghệ Diễn đàn Xã hội tổ chức ở Kyoto. Trang điện tử Bloomberg dẫn thông tin trên từ văn bản đăng trên website chính thức của văn phòng thủ tướng.
Nhật Bản hiện là quốc gia xuất khẩu rác thải nhựa lớn đứng thứ 3 trên thế giới (khối lượng hơn 1 triệu tấn trong năm 2018), chỉ sau Thái Lan và Malaysia. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát của Bộ Môi trường Nhật Bản, các bãi rác thải của đất nước Mặt trời mọc này đang trở nên quá tải do Trung Quốc đã ngưng nhận container chở rác thải nhựa của Nhật Bản từ năm ngoái.
Đề cập đến cam kết hồi tháng 6 liên quan đến cách thức giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển rút ra từ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Thủ tướng Abe bày tỏ: “Một điều mà tôi cảm thấy vui mừng trong cam kết là làm rõ vai trò quan trọng của đồ nhựa trong xã hội”.
“Chúng ta nên tự hào về những phát minh vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Nhựa là một trong số đó, và nếu chất liệu đó không tồn tại, chúng ta không thể đóng gói thực phẩm tươi một cách tiện lợi và bày bán trên các kệ hàng siêu thị”.
Theo thống kê của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 2 về lượng tiêu thụ đồ nhựa dùng một lần trên đầu người, chỉ sau Mỹ, và đứng trên nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển khác về mặt điều chỉnh quy định sử dụng.
Đến năm 2021, Liên minh châu Âu sẽ cấm hoàn toàn ống hút nhựa, cũng như bát đĩa nhựa dùng một lần. Ấn Độ mới đây cũng triển khai một chiến dịch cắt giảm việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Chung tay trước lời kêu gọi và sức ép từ người tiêu dùng thế giới, các tập đoàn quốc tế cũng cam kết cắt giảm lượng rác thải nhựa.