Ukraine và EU phản ứng
Theo kênh CNN, phản ứng với quyết định ngày 29/10 của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi quyết định của Nga là có chủ ý và là một tuyên bố khá dễ đoán.
Ông Zelensky nói: “Đây không phải là quyết định mà họ đưa ra ngày hôm nay. Nga bắt đầu cố tình làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực vào tháng 9, khi nước này chặn đường di chuyển của các tàu chở lương thực của chúng tôi”. Trước đây, ông Zelensky cũng đưa ra cáo buộc tương tự.
Ông Zelensky cho rằng Nga không thể nằm trong số những nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nếu nước này cố tình làm những việc gây ra nạn đói ở một số châu lục.
Ông Zelensky kêu gọi quốc tế, đặc biệt là G20 và Liên hợp quốc, phản ứng mạnh mẽ sau động thái của Nga.
Sau đó, cuối ngày 31/10, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và xác nhận cam kết của Ukraine đối với thỏa thuận ngũ cốc. Ông nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng trở thành người bảo đảm cho an ninh lương thực”.
Ngày 31/10, Liên minh châu Âu (EU) cũng lên án quyết định trên của Nga. Quan chức phục trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết: “Quyết định vô lý của Nga khi đình chỉ tham gia Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen của Liên hợp quốc gây cản trở xuất khẩu ngũ cốc vốn rất cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu”. Theo ông Borrell, Nga hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu mà nước này đã gây ra do thực hiện chiến dịch ở Ukraine và phong tỏa các cảng biển Ukraine.
EU cho rằng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, Nga đã “vũ khí hóa” lương thực và nạn đói: “Các hành động có chủ ý của Nga, gồm phá hủy kho dự trữ, làm gián đoạn sản xuất và áp đặt hạn ngạch xuất khẩu thực phẩm và phân bón đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu”.
Lý lẽ của Nga
Trong khi đó, theo đài RT, ngày 31/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đang tạm ngừng tham gia thỏa thuận, nhưng không hoàn toàn rút khỏi thỏa thuận này. Ông nói thỏa thuận này nhằm đảm bảo lợi ích của các quốc gia nghèo.
Tuy nhiên, theo Tổng thống Putin, thỏa thuận ngũ cốc giữa Nga và Ukraine đã không đạt được các mục tiêu đề ra. Ông lập luận rằng hầu hết các nông sản Ukraine xuất khẩu theo thỏa thuận đã không đến được các quốc gia nghèo mà sẽ đến châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Putin nói: “Nhìn chung, có vẻ như 34% ngũ cốc của Ukraine được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ, 35% hoặc thậm chí nhiều hơn tới tay các quốc gia EU và chỉ từ 3 đến 4… hoặc 5% tới tay các nước nghèo, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp của chúng tôi”.
Nga đã quyết định ngừng tham gia thỏa thuận này để trả đũa một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái quy mô vào căn cứ hải quân của nước này ở thành phố cảng Sevastopol (Crimea) vào tuần trước. Theo Bộ Quốc phòng Nga, các máy bay không người lái đã sử dụng khu vực an ninh của hành lang ngũ cốc để tiếp cận các mục tiêu. Một trong số chúng thậm chí có thể đã được phóng từ một tàu dân sự được thuê để vận chuyển ngũ cốc của Ukraine.
Trước đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga đã sẵn sàng bù đắp lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine bị thiếu. Đồng thời, ông nói rằng Nga vẫn chưa thể nêu các điều kiện để nước này tiếp tục tham gia thỏa thuận.
Sau động thái của Nga, Liên hợp quốc đã nhấn mạnh rằng lương thực phải được đưa ra ngoài bất kể hoàn cảnh nào. Điều phối viên của Liên hợp quốc về sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen, ông Amir Abdulla, cho biết lương thực không bao giờ có thể là mục tiêu quân sự hoặc bị bắt làm con tin. Trước đó, Nga từng nói rằng họ không thể đảm bảo an ninh cho hành lang ngũ cốc nếu Ukraine sử dụng cho mục đích quân sự.
Bất chấp quyết định rút khỏi thỏa thuận của Nga, Liên hợp quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đã nhất trí tiếp tục vận chuyển ngũ cốc qua hành lang này.
Ukraine cho biết 12 tàu đã rời các cảng Biển Đen của Ukraine tính đến sáng 31/10.
Thỏa thuận ngũ cốc giữa Nga và Ukraine do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7.