Người phiên dịch của phía Liên Xô tham dự sự kiện năm đó – ông Victor Prokofiev cho biết Thượng nghị sĩ Biden đã đề nghị để con trai Hunter Biden được ngồi cùng bàn họp bởi cậu quan tâm đến ngoại giao và các vấn đề quốc tế.
Và từ đó đã ra đời bức ảnh Hunter Biden ngồi cùng bàn với cha và lãnh đạo đoàn chủ tịch Liên Xô tối cao Andrei Gromyko. Ông Prokofiev nhận định điều này vô cùng bất thường, đặc biệt với một người Liên Xô như ông.
Khi bước vào Nhà Trắng trong tháng 1/2021, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ mang theo cả kinh nghiệm ngoại giao nửa thế kỷ của ông. Cựu Thượng nghị sĩ Bill Bradley, người từng thăm Moskva năm 1979, chia sẻ: “Ông Joe Biden hiểu về Liên Xô, Nga và có kinh nghiệm đối với Tổng thống Vladimir Putin. Ông ấy hiểu điều gì là có thể và điều gì là không”.
Chuyên gia đối ngoại Sergey Karaganov nhận định với tờ Guardian (Anh): “Nếu chúng ta có ngài Biden của thập niên 70 và 80 thế kỷ trước tại Nhà Trắng thì mọi người sẽ không lo lắng”.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 1979, ông Biden từng nói: “Tôi cho rằng triển vọng quan hệ Mỹ-Liên Xô là tốt đẹp”. Đoạn video về cuộc phỏng vấn này trở nên nổi tiếng tại Nga trong thời gian gần đây, sau khi ông Biden được truyền thông tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3/11.
Mối quan hệ Nhà Trắng-Điện Kremlin rơi vào tình trạng “đóng băng sâu” vào năm 1980 do Liên Xô đưa binh sĩ đến Afghanistan. Mãi đến năm 1984, ông Biden mới quay trở lại Moskva và lần này đồng hành cùng thượng nghị sĩ William Cohen để truyền tải thông điệp của Tổng thống Mỹ khi đó Ronald Reagan về “phương pháp mới kiểm soát vũ khí”.
Rồi đến năm 1988, ông Biden quay trở lại Moskva cùng con trai và đoàn đại biểu Mỹ để thảo luận về hiệp định lực lượng hạt nhân quốc tế.