Trình bày tóm tắt chính sách mới đây nhất của ông với tiêu đề "Chương trình nghị sự mới vì hòa bình", Tổng Thư ký Guterres khẳng định vai trò của các phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ đã giúp "cứu sống hàng triệu người" và duy trì các lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, ông nêu rõ "những xung đột kéo dài chưa được giải quyết, do các yếu tố phức tạp trong nước, các yếu tố địa chính trị và xuyên quốc gia", cũng như "nguồn lực không tương ứng với yêu cầu nhiệm vụ" dẫn tới những hạn chế đối với hoạt động của các phái bộ gìn giữ hòa bình.
Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh: “Các hoạt động gìn giữ hòa bình không thể thành công khi không có hòa bình để gìn giữ. Các phái bộ LHQ cũng không thể đạt được mục tiêu nếu không có những chỉ thị rõ ràng và thực tế từ Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, tập trung vào các giải pháp chính trị". Theo đó, ông kêu gọi "nhìn lại một cách nghiêm túc và toàn diện về tương lai các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, hướng tới các mô hình linh hoạt, dễ thích nghi với các chiến lược rút phái bộ phù hợp".
Phát biểu của Tổng thư ký Guterres được đưa ra trong bối cảnh HĐBA vài tuần trước đó đã kết thúc sứ mệnh của Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Mali (MINUSMA) kéo dài hàng thập kỷ. Động thái này diễn ra sau khi chính quyền quân sự ở Mali bất ngờ yêu cầu MINUSMA rút khỏi nước này, với lý do phái bộ không đáp ứng được những thách thức an ninh liên quan các nhóm khủng bố.
Tổng Thư ký Guterres lưu ý rằng các phái bộ gìn giữ hòa bình không phải là lực lượng chống khủng bố và bị giới hạn trong mức độ can dự vào các cuộc xung đột. Ông nêu rõ "các cuộc xung đột phân mảnh" liên quan đến "các nhóm vũ trang phi nhà nước, băng nhóm tội phạm, khủng bố và những phần tử cơ hội" đã làm tăng nhu cầu đối với "các hoạt động đa quốc gia thực thi hòa bình, chống khủng bố và chống nổi dậy". Trong đó, châu Phi là lục địa có nhu cầu lớn nhất đối với "các phái bộ thực thi hòa bình thế hệ mới" này.
Ngoài vấn đề cải cách các hoạt động gìn giữ hòa bình, trong "Chương trình nghị sự mới vì hòa bình", Tổng thư ký LHQ cũng nêu ra các ưu tiên khác bao gồm: các biện pháp để tăng phòng ngừa ở cấp độ toàn cầu, thông qua giải quyết các rủi ro chiến lược và sự chia rẽ địa chính trị; tầm nhìn về ngăn chặn xung đột và bạo lực cũng như duy trì hòa bình, với các đề xuất về mô hình giải quyết mọi hình thức bạo lực và ưu tiên các mối liên quan giữa phát triển bền vững, hành động khí hậu và hòa bình; ngăn chặn "vũ khí hóa" các lĩnh vực và công nghệ mới nổi, đồng thời thúc đẩy đổi mới có trách nhiệm; cải thiện bộ máy an ninh tập thể để khôi phục tính hợp pháp và hiệu quả của hệ thống này.
Chương trình trên là một phần trong loạt đề xuất mà Tổng Thư ký Guterres đưa ra trước "Hội nghị thượng đỉnh về tương lai" của LHQ dự kiến diễn ra vào năm tới.