Trong thông điệp được ghi hình gửi phiên họp của Đại hội đồng y tế thế giới diễn ra tại Geneva ngày 24/5, người đứng đầu LHQ nhấn mạnh dịch bệnh COVID-19 không thể bị đánh bại ngay lập tức tại mỗi một quốc gia, do đó ông kêu gọi có sự phối hợp hành động mang tính toàn cầu trong ba lĩnh vực: đoàn kết để ngăn chặn virus SARS-CoV-2, tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu và bảo hiểm y tế toàn cầu, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu tiếp theo.
Theo ông, lãnh đạo các nước cầm khẩn trương thực hiện kế hoạch toàn cầu để đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị COVID-19. Ông một lần nữa kêu gọi thành lập lực lượng đặc nhiệm của Nhóm các nước có nền kinh tế phát triên và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tập hợp tất cả các quốc gia có năng lực sản xuất vaccine, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức tài chính quốc tế, và các bên liên quan chính khác.
Ông cho rằng lực lượng có nhiệm vụ thực hiện mục tiêu tăng gấp 2 lần năng lực sản xuất vaccine, giải quyết vấn đề phân phối vaccine bất công bằng thông qua cơ chế phân phối vaccine COVAX và ACT-Accelerator (một chương trình hợp tác toàn cầu nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển và phân phối công bằng vaccine, phương pháp chẩn đoán và trị liệu nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 ở tất cả các quốc gia bất kể mức thu nhập).
Ông Guterres cho rằng các nước cần có sự phối hợp đồng bộ ở thời điểm hiện tại để đảm bảo tiến trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 được bền vững, tránh tình trạng các nước giàu sau khi tiêm chủng cho đa số người dân, mở cửa nền kinh tế, thì các nước nghèo vẫn phải chứng kiến dịch bệnh lây lan, có nguy cơ tái bùng phát dịch.
Theo quan điểm của người đứng đầu LHQ, với các hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện có, thế giới sẽ phục hồi nhanh hơn khỏi đại dịch này và ngăn chặn đại dịch tiếp theo trước khi nó diễn ra. Ông cho rằng việc cần làm bước đầu là củng cố sức mạnh hệ thống y tế, song điều này là chưa đủ. Ông cho rằng thế giới cần cam kết chính trị ở cấp cao nhất để chuyển đổi hệ thống hiện tại thông qua một cách tiếp cận có sự phối hợp của cộng đồng quốc tế, chính phủ và xã hội các nước.
Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh WHO phải là trung tâm dẫn dắt các nước chuẩn bị ứng phó với đại dịch toàn cầu với đầy đủ quyền lực để thực hiện trách nhiệm. Theo ông, thế giới các nguồn lực bền vững và có thể dự đoán được, và nó phải được trao quyền đầy đủ để thực hiện công việc theo yêu cầu của nó. Thế giới cần một khuôn khổ hợp tác quốc tế và đoàn kết phù hợp cho tương lai; các giải pháp mới cho tài chính bền vững; và năng lực quốc gia về phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh.