Phát biểu trước báo giới, ông Guterres bày tỏ “lo ngại trước hành động quân sự mới tại Rafah”. Ông nhấn mạnh việc đóng các cửa khẩu Rafah và Karem Shalom làm nghiêm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã rất xấu, đồng thời kêu gọi “mở hai cửa khẩu này ngay lập tức”.
Cùng ngày, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell bày tỏ lo ngại "không có vùng an toàn ở Gaza" để người dân Palestine lánh nạn, đồng thời lưu ý rằng có 600.000 trẻ em đang cư trú ở khu vực đông dân cư này. Ông Borrell nhấn mạnh EU và Mỹ đều đã yêu cầu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngừng tấn công Rafah.
Bộ trưởng Phát triển Bỉ, bà Caroline Gennez cho rằng cuộc tấn công này sẽ vượt qua "ranh giới đỏ" và EU cần cân nhắc "các biện pháp trừng phạt". Bà Gennez cảnh báo cuộc tấn công vào Rafah "có thể gây ra nạn đói cho hàng triệu người”. Quan chức Bỉ cũng kêu gọi các đối tác EU nhất trí về quyết định "ngừng xuất khẩu vũ khí sang Trung Đông, tới Israel và các bên xung đột".
Về phần mình, Bộ trưởng Phát triển Đức, ông Jochen Flasbarth cho biết "tình hình rất nguy cấp và tiếp tục xấu đi" ở Gaza, đồng thời đánh giá tình hình nhân đạo ở đây ở mức "kinh khủng". Tuy nhiên, ông Flasbarth khẳng định các bộ trưởng của EU đã không thảo luận về lệnh trừng phạt trong cuộc họp này.
Trong diễn biến khác, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ai Cập kêu gọi các bên quốc tế có ảnh hưởng hãy can thiệp và gây sức ép nhằm giảm căng thẳng tại Rafah. Tuyên bố của bộ trên phản đối chiến dịch quân sự của Israel, đồng thời cho rằng việc này đe dọa hơn 1 triệu người Palestine vốn đang sống phụ thuộc vào hàng viện trợ qua các cửa khẩu. Bộ trên kêu gọi Israel kiềm chế tối đa và tránh hành động đe dọa các nỗ lực đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza.
Trước đó, cùng ngày, quân đội Israel thông báo đã bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự nhằm vào Rafah và bước đầu giành quyền kiểm soát cửa khẩu Rafah, giáp biên giới với Ai Cập ở phía Nam Gaza, đồng thời đóng cửa khẩu Kerem Shalom vì lý do an ninh và sẽ hoạt động trở lại khi "điều kiện an ninh cho phép".