Văn kiện này được đăng ký tại Quốc hội Ukraine ngày 13/12, song nội dung vẫn chưa được công bố. Thẻ đăng ký cho thấy, ông Zelenskiy đã xác định dự luật này là cấp thiết.
Theo Ngoại trưởng Ukraine Vadym Prystaiko, những sửa đổi trong hiến pháp về phân quyền phù hợp với các thỏa thuận Minsk. Ông Prystaiko khẳng định: “Ukraine hiện cam kết với các thỏa thuận đã có”.
Trước đó, Phó Chủ tịch thứ nhất đảng “Đầy tớ của Nhân dân” cầm quyền ở Ukraine Oleksandr Kornienko cho biết, các sửa đổi hiến pháp sẽ được thông qua vào tháng 12/2019 hoặc tháng 1/2020.
Cải cách chính quyền địa phương ở Ukraine bắt đầu dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Petro Poroshenko, song chưa hoàn thành.
Năm 2015, Verkhovna Rada đã phê chuẩn dự luật sửa đổi hiến pháp đầu tiên liên quan đến phân quyền. Cụ thể, những sửa đổi này trao các chức năng quan trọng, kể cả các chức năng tài chính, từ chính quyền trung ương và khu vực cho chính quyền địa phương.
Ngoài ra, Hiến pháp Ukraine đã đề cập đến tình trạng đặc biệt ở một số khu vực nhất định thuộc 2 tỉnh Donetsk và Lugansk. Đầu tháng 9, Tổng thống Zelenskiy đã chỉ đạo hoàn thành cải cách phân quyền và tổ chức các cuộc bầu cử địa phương trên cơ sở hành chính mới vào năm 2020.
Theo ông Andrei Yermak - Trợ lý Tổng thống Ukraine, sửa đổi hiến pháp liên quan đến việc chuyển một phần quyền hạn cho các địa phương. Một số khu vực nhất định thuộc 2 tỉnh Donetsk và Lugansk có thể có thêm quyền lực, tuy nhiên, "không có bất kỳ thảo luận nào về việc liên bang hóa".
Ngày 12/12, Quốc hội Ukraine đã gia hạn luật quy chế đặc biệt ở một số khu vực thuộc 2 tỉnh Donetsk và Lugansk đến ngày 31/12/2020. Tổng thống Zelenskiy cho biết, bộ luật này sẽ tiếp tục tạm thời có hiệu lực.
Theo nhà lãnh đạo Ukraine, Kiev hiện dễ dàng tiếp tục thi hành luật quy chế đặc biệt và sau đó thực hiện “Công thức Steinmeier” - quy định cơ chế ban hành luật về tự quản của chính quyền địa phương ở một số khu vực của Donbass.
Vào ngày bầu cử ở các khu vực này, luật sẽ tạm thời có hiệu lực và sau khi công bố báo cáo của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) về kết quả bỏ phiếu, luật sẽ có hiệu lực lâu dài.