Tổng thống Trump trấn an Kiev sau tuyên bố gây sốc về chấm dứt chiến tranh Ukraine

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Ukraine sẽ được tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình với Liên bang Nga, mặc dù Kiev cho rằng còn quá sớm để nói chuyện với Moskva (Moscow) tại Hội nghị An ninh Munich (Đức).

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 7/2/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Ukraine sẽ có một “ghế tại bàn đàm phán” trong bất kỳ cuộc thương lượng nào nhằm chấm dứt chiến tranh với Liên bang Nga.

“Họ là một phần của cuộc đàm phán. Chúng ta sẽ có Ukraine, có Liên bang Nga, và sẽ có những người khác tham gia, rất nhiều người”, ông Trump nói.

Khi được hỏi liệu ông có tin tưởng Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin không, ông Trump đáp: “Tôi tin rằng ông ấy muốn thấy điều gì đó xảy ra. Tôi tin ông ấy trong vấn đề này”.

Ông Trump cho biết các quan chức Mỹ và Liên bang Nga sẽ gặp nhau tại Munich vào ngày 14/2 và Ukraine cũng đã được mời.

Tuy nhiên, một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng Kiev không mong đợi sẽ có cuộc gặp nào với phía Liên bang Nga tại Hội nghị An ninh Munich thường niên vào ngày 14/2. Ukraine cho rằng Mỹ, châu Âu và Kiev cần đạt được lập trường chung trước khi nói chuyện với Moskva.

Ông Trump cũng tiết lộ với các phóng viên rằng tuần tới có thể sẽ diễn ra một cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao của ba nước tại Saudi Arabia với mục tiêu chấm dứt chiến tranh, nhưng họ không phải là các lãnh đạo.

Cũng vào ngày 13/2, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Marco Rubio đã điện đàm với Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha, nhấn mạnh “sự cần thiết của một nền ngoại giao táo bạo” để kết thúc xung đột.

Thông tin về các cuộc đàm phán đầu tiên sau nhiều năm nhằm chấm dứt cuộc chiến đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II đã khiến thị trường tài chính của Liên bang Nga tăng vọt và giá trị trái phiếu của Ukraine cũng tăng theo.

Lo ngại từ châu Âu và Ukraine

Theo hãng tin Reuters, đề xuất đơn phương của ông Trump với người đồng cấp Liên bang Nga Vladimir Putin trong điện đàm hôm 12/2, cùng với những nhượng bộ tiềm tàng đối với Moskva trong những vấn đề liên quan tới các yêu cầu của Ukraine, đã khiến Kiev và các đồng minh châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lo lắng. Họ e ngại Nhà Trắng có thể đạt được một thỏa thuận mà không cần tham vấn với các bên liên quan.

“Chúng tôi, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, sẽ không thể chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào mà không có sự tham gia của chúng tôi”, Tổng thống Zelensky khẳng định.

Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Ukraine “tất nhiên” sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán dưới một hình thức nào đó, nhưng cũng sẽ có một kênh đàm phán song phương giữa Mỹ và Liên bang Nga.

Hãng tin Reuters tiết lộ rằng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã bày tỏ mong muốn được làm trung gian cho các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh Ukraine.

Trong khi đó, giới chức châu Âu đã bày tỏ lập trường cứng rắn với động thái của ông Trump. “Bất kỳ giải pháp nhanh chóng nào cũng là một thỏa thuận bẩn thỉu”, bà Kaja Kallas, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU, nhấn mạnh.

Một nguồn tin ngoại giao châu Âu tiết lộ rằng các bộ trưởng đã nhất trí tiến hành một cuộc đối thoại “thẳng thắn và đầy thử thách” với các quan chức Mỹ tại Hội nghị An ninh Munich vào ngày 14/2.

Chú thích ảnh
Bài của Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 12/2/2025 nói về cuộc điện đàm cùng ngày với người đồng cấp phía Liên bang Nga Vladimir Putin và phía Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh chụp màn hình tài khoản Truth Social của Tổng thống Mỹ Donald Trump

“Nhà đàm phán giỏi nhất hành tinh”

Hôm 12/2, ông Trump đã thực hiện cuộc điện đàm công khai đầu tiên với ông Putin kể từ sau khi cuộc chiến giữa Liên bang Nga và Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, sau đó là cuộc gọi cho ông Zelensky. Ông Trump cho rằng cả hai nhà lãnh đạo đều muốn hòa bình.

Chính quyền Trump cũng lần đầu tiên công khai thừa nhận rằng việc Ukraine mong muốn khôi phục lại đường biên giới năm 2014 hoặc gia nhập NATO là không thực tế, đồng thời tuyên bố sẽ không có binh sĩ Mỹ nào tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine.

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Mỹ sau đó lại nói rằng Washington chưa loại trừ khả năng Ukraine gia nhập NATO hoặc việc khôi phục đường biên giới trước năm 2014, trái ngược với tuyên bố trước đó.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nhận định: “Thật may mắn khi thế giới có ông Trump – nhà đàm phán giỏi nhất hành tinh, người có thể đưa hai bên xung đột đến bàn đàm phán.”

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moskva “ấn tượng” trước nỗ lực của ông Trump trong việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột.

Nga đã chiếm bán đảo Crimea và hỗ trợ lực lượng ly khai chiếm giữ một số khu vực ở miền Đông Ukraine từ năm 2014. Đến năm 2022, Moskva phát động một chiến dịch quân sự toàn diện và chiếm thêm nhiều vùng lãnh thổ khác.

Ukraine từng giành lại nhiều khu vực quan trọng trong năm 2022 nhưng sau đó đã mất dần lãnh thổ vào năm 2023 sau chiến dịch phản công thất bại.

Không có dấu hiệu nhượng bộ từ cả hai phía

Hiện vẫn chưa có sự thu hẹp khoảng cách giữa các lập trường. Moskva yêu cầu Ukraine phải cam kết giữ vị thế trung lập vĩnh viễn, trong khi Kiev khẳng định quân đội Liên bang Nga phải rút hoàn toàn và Ukraine phải nhận được các đảm bảo an ninh tương tự như của NATO để ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai.

Giới chức Ukraine từng thừa nhận rằng việc gia nhập NATO có thể không khả thi trong ngắn hạn và một thỏa thuận hòa bình giả định có thể để lại một số vùng lãnh thổ dưới sự kiểm soát của Liên bang Nga.

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha khẳng định Kiev vẫn kiên định mục tiêu gia nhập NATO, bởi đây là “phương án đơn giản và ít tốn kém nhất” để đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte nhấn mạnh rằng cần phải gửi đi một thông điệp rõ ràng đến Moskva rằng phương Tây vẫn đoàn kết, đồng thời lưu ý rằng Ukraine chưa bao giờ được hứa hẹn chắc chắn rằng tư cách thành viên NATO sẽ là một phần trong thỏa thuận hòa bình.

Thành Nam/Báo Tin tức
Chính trường Ukraine: Tín hiệu từ việc ông Zelensky trừng phạt cựu Tổng thống Poroshenko
Chính trường Ukraine: Tín hiệu từ việc ông Zelensky trừng phạt cựu Tổng thống Poroshenko

Lệnh trừng phạt đối với cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko được đưa ra giữa lúc các hoạt động chính trị trong nước ngày càng gia tăng và áp lực chính thức từ phía Mỹ yêu cầu Kiev tổ chức bầu cử trước cuối năm 2025, cho nên, nhiều chuyên gia nhận định rằng mùa bầu cử không chính thức đã bắt đầu tại Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN