Trong bức thư gửi các đại biểu tại Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới năm 2019 tại Ai Cập, Tổng thống Trump cho biết Mỹ dự định “triển khai nhanh chóng dịch vụ 5G” và “không đồng tình với những cá nhân muốn sử dụng 5G làm công cụ mở rộng kiểm soát công dân của họ và gây bất đồng giữa các quốc gia”.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết Mỹ đã đề nghị nhiều quốc gia không cấp phép để tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei triển khai mạng 5G. Bên cạnh đó, Mỹ còn nghi ngờ Trung Quốc có thể lợi dụng thiết bị viễn thông của Huawei để thực hiện hành vi do thám. Huawei đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Ông Trump còn nhiều lần điện đàm với các lãnh đạo nước ngoài, bao gồm Thủ tướng Anh Boris Johnson trong tháng 8 đề nghị London không “mở đường” cho Huawei dùng mạng 5G. Nhưng tờ The Sunday Times (Anh) từng đưa tin rằng Thủ tướng Johnson chuẩn bị cho phép Huawei tiếp cận những phần “khó tranh chấp” trong mạng 5G. Trước đó, hồi tháng 9, Na Uy cho biết không có kế hoạch chặn Huawei xây dựng mạng lưới 5G tại quốc gia này.
Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Trump đã ra lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông do Huawei sản xuất với lý do an ninh.
Nhiều công ty viễn thông vùng nông thôn Mỹ vốn phụ thuộc vào thiết bị của Huawei nay đã chuyển sang thoả thuận với Ericsson và Nokia để thay thế thiết bị.
Huawei đã đầu tư rất nhiều công sức và tiền bạc vào phát triển, quảng cáo cho công nghệ 5G. Chủ tịch Tập Cận Bình từng nói ông muốn Trung Quốc dẫn đầu thị trường 5G toàn cầu.
Các đối thủ của Huawei chỉ có Nokia và Ericsson. Nếu xét về “tương quan lực lượng” thì Huawei là công ty lớn hơn do vậy có năng lực cung cấp công nghệ nhanh và rẻ hơn.
Mỹ cũng kỳ vọng các công ty viễn thông của quốc gia này sẽ đứng đầu về 5G, mạng di động hỗ trợ những công nghệ thay đổi nền kinh tế trong thời gian tới, trong đó có xe không người lái.