Trong một cuộc họp báo tại Phòng Bầu dục ngày 5/9, trả lời câu hỏi về khả năng diễn ra cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iran vào cuối tháng này, Tổng thống Trump nhấn mạnh: "Mọi việc đều có thể xảy ra. Chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra với Iran. Liệu họ có muốn đàm phán hay không. Điều đó tùy thuộc vào họ, chứ không phải vào tôi". Ông Trump đồng thời cho rằng Iran "đang bị rối loạn" và "đã ở vị thế rất khác so với thời điểm tôi nhậm chức tổng thống".
Theo kế hoạch, Tổng thống Trump sẽ chủ trì một cuộc họp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ về Iran vào ngày 26/9 tới, trong khuôn khổ kỳ họp thường niên của các nhà lãnh đạo trên thế giới tại New York. Với việc Washington đang nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ, cuộc họp này được cho là diễn đàn để Mỹ gia tăng gây sức ép hơn nữa đối với Iran, liên quan cáo buộc nước này vi phạm nghị quyết của HĐBA.
Thông báo về cuộc họp này, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nêu rõ: "Tổng thống Trump rất cương quyết rằng chúng tôi phải bắt đầu đảm bảo Iran nằm trong trật tự quốc tế." Quan chức ngoại giao Mỹ đề cập tới các hành động của Iran mà Washington cáo buộc là tài trợ cho khủng bố, bán vũ khí cho lực lượng Houthi tại Yemen hay thử tên lửa đạn đạo, coi đây là sự vi phạm các nghị quyết của HĐBA và đe dọa an ninh khu vực.
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng Mỹ tìm cách lợi dụng cuộc họp sắp tới của HĐBA nhằm đổ tội cho Tehran vi phạm luật pháp quốc tế. Đề cập tới Nghị quyết 2231 của HĐBA về chương trình hạt nhân Iran, ông Zarif nhấn mạnh chính Tổng thống Trump là người đang vi phạm luật pháp quốc tế và cũng ép buộc người khác làm điều tương tự.
Thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) hồi tháng 7/2015 sau nhiều năm quan hệ căng thẳng giữa Iran và phương Tây, theo đó Tehran có nghĩa vụ hạn chế hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump hồi tháng 5/2018 đã quyết định rút khỏi thỏa thuận này, đồng thời tuyên bố tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran, trong đó có lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran từ đầu tháng 11 tới. Mỹ muốn giảm hoạt động xuất khẩu dầu của Iran xuống mức 0. Tuy nhiên, không rõ liệu các đồng minh của Washington sẽ cắt giảm bao nhiêu lượng dầu nhập khẩu của Iran.
Trong một động thái liên quan, Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) ngày 5/9 tuyên bố nước này sẽ bắt đầu làm giàu urani ở cấp độ cao hơn so với trước đây nếu các bên còn lại (gồm Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu) không đạt được thỏa thuận duy trì JCPOA.
Người phát ngôn của AEOI Behrouz Kamalvandi nêu rõ Iran "sẽ không trở lại những mức (làm giàu urani) trước đây mà thay vào đó sẽ đạt tới những cấp độ tiên tiến hơn", đồng thời một lần nữa khẳng định các hoạt động hạt nhân của nước này là nhằm mục đích dân sự.
Hồi tuần trước, lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran - Đại Giáo chủ Ali Khamenei tuyên bố Iran sẵn sàng gạt JCPOA sang một bên nếu thỏa thuận này không còn mang lợi ích cho quốc gia.