“Tôi chưa từng nghĩ về việc đó. Tôi chưa cân nhắc gì hết. Tôi sẽ cân nhắc nếu như họ làm gì đó có lợi cho chúng tôi”, Tổng thống Trump trả lời câu hỏi của hãng tin Reuters về việc có cân nhắc dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga hay không, “Chúng tôi có rất nhiều điểm chung. Chúng tôi có nhiều thứ có thể làm mà có lợi cho nhau”.
Tổng thống Trump đã giới thiệu một loạt biện pháp trừng phạt Nga, tiếp tục thực hiện chính sách trừng phạt bắt đầu từ thời cựu Tổng thống Barack Obama năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Các biện pháp trừng phạt đầu tiên được áp dụng từ ngày 6/3/2014, 10 ngày trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý Crimea, Mỹ và các đồng minh đã áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các quan chức, công ty và cá nhân Nga, với cáo buộc Nga can dự vào cuộc xung đột tại Ukraine.
Phần lớn các biện pháp trừng phạt công bố gần đây liên quan tới các cáo buộc Nga sử dụng chất độc thần kinh hạ độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergey Skripal và con gái Yulia. Cho đến nay, Moskva luôn phủ nhận cáo buộc hạ độc.
Quyết định trừng phạt được đưa ra ngay sau khi Thượng nghị sĩ Rand Paul trở về từ Moskva và giao lá thư của Tổng thống Trump và dường như muốn phá hủy mọi nỗ lực ngoại giao với Điện Kremlin.
Sau đó, một nhóm các nhà lập pháp cứng rắn của Mỹ từ cả hai đảng đã đề xuất một "dự luật trừng phạt" cáo buộc Nga tài trợ chủ nghĩa khủng bố.
Nga ngay lập tức trả đũa với những làn sóng trừng phạt bằng cách bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ, từ con số 176 tỷ đô la Mỹ năm 2010 xuống còn 14,9 tỷ đô la tính đến tháng 5 năm nay.
"Nếu họ ra một lệnh cấm hoạt động ngân hàng hoặc sử dụng bất kỳ loại tiền tệ nào, chúng tôi sẽ coi nó như một lời tuyên chiến kinh tế", Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh cáo đầu tháng 8. "Và chúng tôi sẽ đáp trả một các tương ứng - về kinh tế, chính trị, hoặc bất kỳ lĩnh vực nào nếu cần thiết”.