Hãng tin AP, báo Newsweek cho biết Tổng thống Mỹ Trump đã trực tiếp chỉ đạo tiến hành vụ không kích bằng máy bay không người lái nói trên. Theo nguồn tin này, ít nhất 12 người đã thiệt mạng tại sân bay Baghdad, trong đó có hai thủ lĩnh cấp cao của lực lượng dân quân Iraq và Chỉ huy đơn vị đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng ra một thông báo xác nhận: "Nhận chỉ đạo từ Tổng thống, quân đội Mỹ đã triển khai một hành động phòng vệ mang tính quyết định nhằm bảo vệ công dân Mỹ ở nước ngoài bằng cách tiêu diệt Qasem Soleimani, Chỉ huy Đơn vị Quds của Iran, tổ chức bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Mỹ sẽ tiếp tục đưa ra mọi hành động cần thiết để bảo vệ nhân dân và những lợi ích của mình khi họ ở bất cứ đâu trên thế giới".
Theo tuyên bố này, "Tướng Soleimani đã tích cực lên kế hoạch tấn công các nhân viên và nhà ngoại giao Mỹ tại Iraq cũng như ở các nơi khác trong khu vực. Soleimani và Đơn vị Quds của ông ta phải chịu trách nhiệm về cái chết của hàng trăm người Mỹ và thành viên liên quân, cũng như đối với hàng nghìn người bị thương khác".
Sau khi có kết quả giám định ADN, Lầu Năm Góc khẳng định Tư lệnh đơn vị Quds thuộc IRGC, Thiếu tướng Qasem Soleimani đã thiệt mạng trong vụ không kích của quân đội nước này nhằm vào sân bay Baghdad.
Cùng ngày, truyền hình nhà nước Iran cũng đưa tin Tướng Soleimani đã thiệt mạng trong vụ không kích nhằm vào đoàn xe của IRGC tại sân bay quốc tế thủ đô Baghdad vào rạng sáng cùng ngày.
Một quan chức cấp cao quân đội Iran được dẫn lời tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ có biện pháp trả đũa việc Mỹ không kích và sát hại Tướng Soleimani.
Video sân bay Baghdad khói lửa mù mịt sau vụ không kích của Mỹ. (Nguồn: newsweek)
Căng thẳng leo thang kể từ ngày 31/12/2019 vừa qua, khi hàng nghìn người biểu tình ủng hộ lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi ở Iraq đã bao vây và tấn công phá hoại tòa nhà đại sứ quán Mỹ.
Người biểu tình phản đối các cuộc không kích của quân đội Mỹ khiến 25 tay súng thuộc một nhánh của lực lượng này thiệt mạng hôm 29/12/2019. Đám đông người biểu tình tràn qua các địa điểm kiểm tra an ninh, phá cửa xông vào và phóng hỏa tại khu vực tiếp đón, buộc lực lượng bảo vệ khu tổ hợp phải dùng hơi cay để giải tán.
Đại sứ Mỹ và các nhân viên Đại sứ quán nước này ở Baghdad đã được sơ tán khẩn cấp vì lo ngại an ninh, trong bối cảnh hàng trăm người biểu tình giận dữ đang bao vây cơ sở ngoại giao này. Trước nguy cơ an ninh leo thang, Lầu Năm Góc đã điều động khẩn cấp 750 lính đặc nhiệm tới Đại sứ quán nước này ở Baghdad.
Ngày 31/12, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã lên án các cuộc không kích. Trong một tuyên bố, Văn phòng Thủ tướng Iraq khẳng định đó là hành động "không thể chấp nhận được và sẽ gây hậu quả nguy hiểm". Tuyên bố nhấn mạnh hành động này có thể đẩy Iraq lún sâu hơn vào cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran.
Hội đồng An ninh Quốc gia Iraq (INSC) cũng lên án vụ tấn công của Mỹ nhằm vào các căn cứ của Hashd al-Shaabi ở miền Tây Iraq, nêu rõ Chính phủ Iraq coi cuộc tấn công này là vi phạm chủ quyền của Iraq. Trong một thông báo đưa ra sau phiên họp khẩn cấp, INSC cho biết cuộc tấn công đã khiến Iraq phải "xem xét lại mối quan hệ" với liên quân do Mỹ đứng đầu ở các khía cạnh an ninh, chính trị và pháp lý.
Video người biểu tình Iraq tập trung phản đối các vụ không kích của Mỹ (Nguồn: haaretz)