Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp tại Nhà Trắng. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Động thái trên được Tổng thống Trump thực hiện sau khi Bắc Kinh tuyên bố trả đũa khi áp mức thuế 34% lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Theo đó, các kiện hàng dưới 800 USD từ Trung Quốc giờ đây sẽ chịu mức thuế 90% giá trị hoặc 75 USD, tăng gấp ba lần so với mức 30% hoặc 25 USD mà Tổng thống Trump đã công bố vào ngày 2/4.
Cho đến gần đây, các kiện hàng có giá trị dưới 800 USD, còn gọi là hàng “de minimis”, được miễn thuế nhập khẩu.
Theo NBC News, lỗ hổng thương mại từ quy định de minimis, đã bị Tổng thống Trump bãi bỏ vào tuần trước, từng mang lại lợi thế lớn cho các nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc như Temu và Shein.
Cũng trong ngày 8/4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt xác nhận với hãng tin Fox News (Mỹ) rằng nước sẽ bắt đầu thu thuế 104% đối với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 9/4, sau khi Bắc Kinh bỏ qua hạn chót của Tổng thống Donald Trump về việc dỡ bỏ các biện pháp đáp trả.
Thư ký báo chí Leavitt đã xác nhận thông tin này trong cuộc họp báo Nhà Trắng được truyền thông quốc tế tường thuật. Bà Leavitt phát biểu với các phóng viên: “Trung Quốc đã sai lầm khi trả đũa. Khi nước Mỹ bị nhắm đến, ông Trump sẽ đáp trả mạnh hơn. Đó là lý do tại sao thuế suất 104% sẽ có hiệu lực với Trung Quốc vào nửa đêm nay (9/4 theo giờ Mỹ, tức trưa ngày 10/4 theo giờ Việt Nam)”.
Ngày 4/4, Quốc vụ viện Trung Quốc thông báo nước này sẽ áp thêm thuế 34% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Đáp lại, Tổng thống Trump vào ngày 7/4 tuyên bố sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thêm 50%, có hiệu lực từ ngày 9/4, trừ khi Bắc Kinh hủy bỏ thuế trả đũa trước ngày 8/4.
Đáp trả lại động thái “leo thang” thương mại của Mỹ, sáng 8/4, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố nếu Mỹ tiếp tục tăng thuế quan đối với Trung Quốc, nước này sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Trong tuyên bố, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định thuế quan đối ứng của Mỹ với Trung Quốc là vô căn cứ và là "hành vi bắt nạt đơn phương" điển hình. Các biện pháp đối phó mà Trung Quốc thực hiện là hợp pháp nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia, cũng như duy trì trật tự thương mại quốc tế thông thường. Quan chức này nhấn mạnh nếu Mỹ cố ý theo đuổi cách riêng của mình, Trung Quốc sẽ "đáp trả đến cùng".
Cũng theo người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, không có bên nào thắng trong chiến thương mại và không có lối thoát cho chủ nghĩa bảo hộ. Ngoài ra, Trung Quốc không chấp nhận những tuyên bố mang tính đe dọa hay gây áp lực. Bắc Kinh mong muốn hai bên giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đối thoại bình đẳng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.
Theo một số chuyên gia, diễn biến thuế quan hiện tại có thể đẩy cuộc đối đầu thương mại vượt khỏi khuôn khổ kinh tế. Việc các mức thuế hiện tại có thể vượt ngưỡng 100% trong thời gian tới khiến giới phân tích lo ngại về tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như tốc độ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 của Trung Quốc.
Một số ý kiến cũng bày tỏ quan ngại về tác động sâu rộng của thuế quan, đặc biệt đối với lĩnh vực xuất khẩu – vốn là động lực quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, các công ty nhà nước và ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cam kết duy trì ổn định thị trường tài chính, bao gồm cả việc mua lại cổ phiếu và hỗ trợ thanh khoản cho các quỹ đầu tư.
Giới quan sát cho rằng, với bối cảnh phức tạp hiện nay, bất kỳ bước đi nào từ cả hai phía đều có thể tạo ra làn sóng ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường quốc tế, cũng như định hình lại cấu trúc thương mại toàn cầu trong thời gian tới.