Mỹ và Iran vốn căng thẳng trong thời gian dài nhưng đi vào bế tắc mới khi chính quyền Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tình hình giữa Mỹ và Iran sau đó có nhiều tương đồng với biện pháp cứng rắn Washington áp dụng lên Bình Nhưỡng trong năm 2017. Mỹ đã gia tăng trừng phạt đối với Iran, đồng thời điều nhóm tàu sân bay và máy bay ném bom chiến lược B-52 tới khu vực Trung Đông.
Nhớ lại thời điểm 2017, Tổng thống Trump khi đó đã liên tục “khẩu chiến” qua lại với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, thậm chí có thời điểm còn áp dụng chiến lược "bên miệng hố chiến tranh" khi tăng mạnh tập trận với Hàn Quốc và điều động binh lực tới Bán đảo Triều Tiên.
Giới phân tích nhận xét hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy ông chủ Nhà Trắng đã có những bước đi tương tự, nhưng lần này đối tượng là Iran. Năm 2018, Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và gần đây là hàng loạt quyết định điều động quân sự tới Trung Đông. Tuy nhiên, đến nay biện pháp ngoại giao này của chính quyền Tổng thống Trump chưa đạt được kết quả mong muốn.
Bà Kelsey Davenport tại Hiệp hội kiểm soát vũ khí nhận định với tờ Newsweek (Mỹ): “Cả trường hợp của Iran và Triều Tiên, Tổng thống Trump dường như tin rằng tăng áp lực sẽ dẫn đến thỏa thuận đáp ứng được yêu cầu của Mỹ. Song lệnh trừng phạt là một công cụ, chiến thuật này chỉ đạt hiệu quả khi kết hợp với phương thức ngoại giao bền vững. Đàm phán không phải là trò chơi gồm kẻ thắng và người thua”.
Cũng theo Bà Davenport, Bình Nhưỡng và Tehran dường như đang có lập trường giống nhau: không thể thỏa hiệp với Washington cho đến khi Tổng thống Trump chịu để sang một bên danh sách các yêu cầu, đồng thời thể hiện rằng nhà lãnh đạo Mỹ có thể là đối tác đáng tin trong đàm phán.
Mặc dù Triều Tiên không phóng tên lửa và thử vũ khí trong hơn 1 năm rưỡi nhưng sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 diễn ra vào tháng 2 không đạt được thỏa thuận như kỳ vọng, Bình Nhưỡng đã 2 lần thử vũ khí tầm ngắn vào đầu tháng 5. Đây được cho là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên thiếu kiên nhẫn với Tổng thống Trump khi ông không nhượng bộ và nới lỏng lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại tiếp dụng sử dụng phương pháp này với Iran. Bà Davenport nói: “Tổng thống Trump cho rằng chiến thuật này sẽ giúp gây áp lực để Iran phải ngồi vào bàn đàm phán nhưng điều đó chưa xảy ra. Điều thu được chỉ khiến Mỹ bị xa lánh, gây tổn hại quan hệ với các đồng minh và khiến Iran phải tuyên bố rút một phần khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015”.
Bà Davenport cũng cho rằng chiến thuật này còn dấy lên nghi vấn rằng liệu Mỹ thực sự quan tâm đến một thỏa thuận mới hay thực ra có mục tiêu thay đổi chính quyền tại Iran?
Đối với cả Triều Tiên và Iran, khả năng sinh tồn là lo ngại hàng đầu khi đối phó với Mỹ. Các chuyên gia cho rằng việc chính quyền Mỹ dựa vào lo ngại này trong ngoại giao với Iran và Triều Tiên thì kết quả sẽ là không thể kéo bình Nhưỡng cùng Tehran vào bàn đàm phán, mà thậm chí chỉ củng cố quan điểm vốn có của hai quốc gia này.