Trước đó, tân Thủ tướng Thụy Điển Kristersson khẳng định ông sẵn sàng tới Ankara để thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ nỗ lực của Thụy Điển gia nhập NATO. Ông muốn chứng tỏ cho Tổng thống Erdogan thấy rằng Thụy Điển và Phần Lan "thực sự làm những gì đã cam kết" để thực hiện thỏa thuận với chính quyền Ankara nhằm mở đường cho việc gia nhập NATO.
Trong khi đó, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Ngoại trưởng mới của Thụy Điển, Tobias Billstrom cũng nhấn mạnh cuộc gặp được đề xuất giữa Thủ tướng nước này với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là "thông tin rất tích cực". Ngoại trưởng Thụy Điển cũng bày tỏ tin tưởng Stockholm và Helsinki sẽ "đối thoại và tham vấn chặt chẽ với Ankara" và Thụy Điển mong đợi Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phê chuẩn các nghị định thư gia nhập NATO "trong thời gian thích hợp".
Sau khi xung đột quân sự nổ ra tại Ukraine hồi đầu năm 2022, Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ chính sách không liên kết lâu nay để đề nghị gia nhập NATO. Động thái này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của đại đa số các quốc gia thành viên NATO. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan đã ngăn cản tiến trình gia nhập nói trên.
Ông Erdogan khẳng định quan điểm của Ankara không thay đổi, đồng thời kêu gọi Thụy Điển và Phần Lan giao nộp một số nhân vật bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ truy lùng. Tổng thống Erdogan cáo buộc 2 quốc gia Bắc Âu là nơi trú ẩn cho các chiến binh người Kurd, đặc biệt là các thành viên của đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị Ankara đặt ngoài vòng pháp luật.