Tính đến ngày 15/2, số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất có độ lớn 7,8 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên đến trên 41.000 người, song giới chức nước này lo ngại con số trên sẽ còn tiếp tục tăng. Những người sống sót cũng đối mặt với khủng hoảng về thực phẩm và nơi trú ẩn, trong khi tiết trời giá lạnh càng khiến điều kiện sinh hoạt thêm khắc nghiệt. Các hộ gia đình ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cho biết họ đang đối phó với hậu quả về mặt tâm lý sau khi chứng kiến thảm họa trên.
Phát biểu tại cuộc họp Nội các tối 14/2 tại trụ sở của Cơ quan Quản lý Khẩn cấp và Thảm họa (AFAD), Tổng thống Erdogan cam kết công tác cứu hộ sẽ được triển khai triệt để cho đến khi người cuối cùng được đưa ra khỏi các đống đổ nát. Ông cho biết công tác đánh giá mức độ thiệt hại sẽ được hoàn thiện trong 1 tuần và quá trình tái xây dựng sẽ bắt đầu trong vài tháng, trong đó "mọi ngôi nhà và nơi làm việc bị phá hủy hoặc hư hại sẽ được xây dựng lại và trao trả cho chính chủ".
Tổng thống Erdogan cho biết trận động đất đã khiến trên 105.000 người bị thương, trong đó trên 13.000 người vẫn đang được điều trị tại các bệnh viện. Trên 2,2 triệu người đã di dời khỏi các khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, nơi hàng chục nghìn tòa nhà đã đổ sập và hư hại nặng nề. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng vẫn đang duy trì công tác cứu hộ tại các khu vực chịu ảnh hưởng do động đất.
Đêm 14/2, lực lượng cứu hộ đã giải cứu thêm 2 người sống sót, trong đó có 1 phụ nữ 77 tuổi tại thành phố Adiyaman và 1 phụ nữ 42 tuổi tại thành phố Kahramanmaras, sau hơn 210 giờ bị vùi lấp dưới các đống đổ nát.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng thừa nhận những bất cập trong cách thức ứng phó đầu tiên của chính phủ sau khi động đất xảy ra, đồng thời khẳng định tình hình đang trong tầm kiểm soát. Ông Erdogan nhấn mạnh trận động đất là một trong những thảm họa tự nhiên nghiêm trọng nhất không chỉ tại Thổ Nhĩ Kỳ, mà trong lịch sử nhân loại nói chung.
Liên hợp quốc cho biết giai đoạn giải cứu các nạn nhân đang gần kết thúc và trọng tâm sẽ được chuyển dần sang cung cấp nơi trú ẩn, lương thực và giáo dục. Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu Henri P. Kluge nhấn mạnh nhu cầu cứu trợ rất lớn và mỗi giờ đồng hồ trôi qua càng trở nên cấp bách hơn. Ông Kluge cho biết khoảng 26 triệu người tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang cần đến hỗ trợ nhân đạo, trong khi rủi ro sức khỏe liên quan thời tiết giá lạnh, an toàn vệ sinh và nguy cơ về các bệnh truyền nhiễm đang gia tăng, đặc biệt đe dọa nhóm những người dễ tổn thương.