Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình, Tổng thống Erdogan cho biết hai trận động đất ngày 6/2 có sức tàn phá tương đương bom nguyên tử và khiến hàng trăm nghìn tòa nhà bị hư hại nặng nề trên khắp miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nhấn mạnh: "Các tòa nhà sụp đổ (do động đất) là lời nhắc nhở chính phủ về sự cần thiết phải xây dựng các quy định xây dựng chặt chẽ hơn".
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng thừa nhận những vấn đề trong cách thức ứng phó đầu tiên của chính phủ sau khi động đất xảy ra, đồng thời khẳng định tình hình hiện đang trong tầm kiểm soát. Ông cam kết chính phủ sẽ nỗ lực cho đến khi giải cứu người cuối cùng khỏi các đống đổ nát tại khu vực hứng chịu động đất.
Cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã giải cứu thêm 9 người sống sót khỏi các đống đổ nát tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong số 9 người trên, có 2 anh em ở độ tuổi 17 và 21 ở tỉnh Kahramanmaras, 1 người đàn ông và 1 phụ nữ trẻ ở thành phố Antakya được giải cứu sau hơn 200 giờ bị vùi lấp trong đống đổ nát. Một nhân viên cứu hộ cho biết lực lượng này hy vọng có thể tiếp tục tìm thấy những người còn sống sót dưới đống đổ nát.
Sau 1 tuần xảy ra động đất, các nỗ lực tại Thổ Nhĩ Kỳ dẫn chuyển sang tập trung vào những người không có nơi ở hoặc lương thực trong thời tiết giá rét. Trong khi đó, giới chức Liên hợp quốc cho biết giai đoạn giải cứu tại Syria chuẩn bị kết thúc để chuyển sang tập trung vào cung cấp nơi tạm trú, lương thực và đảm bảo việc học hành.
Sức khỏe tinh thần của những người sống sót sau thảm họa hiện cũng là vấn đề được lưu tâm. Một bác sĩ làm việc tại bệnh viện dã chiến được thiết lập ở thành phố Iskenderun, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết các bệnh nhân ban đầu nhập viện là do thương tổn về thể chất, song tình hình đang thay đổi với ngày càng nhiều bệnh nhân bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương do động đất.
Các bậc cha mẹ ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cho biết con em mình đang phải đối mặt với hậu quả tâm lý do động đất gây ra. Anh Hassan Moaz ở thành phố Aleppo, Syria cho biết mỗi khi nghe tiếng động lớn, cậu con trai 9 tuổi của anh lại cảm thấy bất ổn khi nhớ đến những gì trải qua trong trận động đất.
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Henri P. Kluge cho biết khoảng 26 triệu người ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang cần hỗ trợ nhân đạo. Lo ngại đang ngày càng tăng xung quanh các vấn đề sức khỏe phát sinh liên quan tới thời tiết giá rét, vấn đề vệ sinh và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, khi những người dễ bị tổn thương đặc biệt đối mặt với nguy cơ cao.
Theo hãng tin AFP, tính đến 7h40' sáng 15/2 (giờ Việt Nam), số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất mạnh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên tới 39.106 người, trong đó có 35.418 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và ít nhất 3.688 người ở Syria.