Theo những hình ảnh phát sóng trực tiếp từ hiện trường cứu hộ ở vùng Kahramanmaras, lực lượng khẩn cấp đang nỗ lực cứu sống 3 chị em gái mắc kẹt dưới đống đất đá.
Trong cùng khu vực, theo đài truyền hình nhà nước TRT Haber, các nhân viên cấp cứu đã cứu được một phụ nữ 35 tuổi bị chôn vùi trong khoảng 205 giờ đồng hồ.
Hai anh em – Muhammed Enes Yeninar, 17 tuổi và anh trai Abdulbaki Yennir, 21 tuổi – cũng được kéo ra khỏi các tòa nhà bị sập vào ngày 14/2. Cách xa hơn về phía Đông, tại thành phố Adiyaman, lực lượng cứu hộ đã kéo một cậu bé 18 tuổi và một người đàn ông còn sống ra khỏi đống đổ nát, trong khi đội cứu hộ Ukraine đưa một phụ nữ còn sống ra khỏi đống đổ nát ở tỉnh Hatay, miền Nam nước này.
Tám ngày sau trận động đất và các dư chấn dữ dội kéo theo, hơn 41.200 người được xác nhận đã thiệt mạng trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Những câu chuyện kỳ tích về người sống sót ngày càng thưa dần hơn.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) bày tỏ lo ngại ngay cả khi không được xác minh, rõ ràng số trẻ em thiệt mạng sau trận động đất sẽ tiếp tục gia tăng.
James Elder, phát ngôn viên của UNICEF cho biết có tới 4,6 triệu trẻ em sống tại 10 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt trong tình trạng khẩn cấp vì động đất, trong khi ở Syria, 2,5 triệu trẻ em bị ảnh hưởng.
Khi các hoạt động cứu hộ bắt đầu chuyển sang các nỗ lực khôi phục, các nhân viên của LHQ đang chạy đua để chuyển viện trợ cho những người sống sót ở Syria thông qua hai cửa khẩu biên giới mới vừa được chính phủ ở Damascus thông qua.
Ngày 13/2, LHQ đã hoan nghênh quyết định của Tổng thống Syria Bashar al-Assad về việc mở hai cửa khẩu biên giới tại Bab Al-Salam và Al Ra'ee của Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria trong 3 tháng để hàng viện trợ nhân đạo có thể tiếp tế kịp.
11 xe tải mang hàng viện trợ của LHQ đã đi vào phía Tây Bắc Syria qua lối đi Bab Al-Salam trong ngày 14/2, trong khi 26 xe khác đã đi qua qua Bab Al-Hawa.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tuyên bố tổ chức này đang kêu gọi một khoản viện trợ trị giá 397 triệu USD cho các nạn nhân động đất ở Syria trong 3 tháng và đang lên kế hoạch kêu gọi tương tự cho những người sống sót ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Phó Tổng thống nước này Fuat Oktay đã bác bỏ thông tin về tình trạng thiếu lương thực và viện trợ. “Không có vấn đề gì với việc cung cấp thức ăn cho người dân. hàng triệu chiếc chăn đang được gửi đến tất cả các khu vực”, nhà chức trách nói trên sóng truyền hình trực tiếp.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hơn 9.200 nhân viên nước ngoài đang tham gia vào các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ của đất nước, trong khi 100 quốc gia đã đề nghị giúp đỡ cho đến nay.
Bên cạnh việc viện trợ nhân đạo, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào phục hồi chấn thương khi điều trị cho những nạn nhân bị ảnh hưởng do thảm họa thiên nhiên.
Đại diện WHO tại Thổ Nhĩ Kỳ Batyr Berdyklychev đã chỉ ra số lượng người dân gặp vấn đề về tâm lý ngày càng tăng tại các khu vực bị ảnh hưởng do trận động đất.
“Mọi người giờ mới bắt đầu nhận ra điều gì đã xảy ra với họ sau cú sốc này”, ông Berdyklychev nói trong cuộc họp báo tại thành phố Adana ngày 14/2.
WHO đang đàm phán với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo những người sống sót sau trận động đất có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, đồng thời lưu ý nhiều người phải di dời do trận động đất đến các khu vực khác của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ cần được chăm sóc.
Theo Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge, ưu tiên trước mắt đối với 22 đội y tế khẩn cấp được triển khai tới Thổ Nhĩ Kỳ là điều trị cho số lượng lớn bệnh nhân gặp chấn thương và tổn thương về tâm lý nghiêm trọng.