Tổng thống Putin chỉ đạo thay đổi cơ cấu tăng trưởng kinh tế của Nga

Ngày 7/2, hãng thông tấn TASS đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo điều chỉnh cơ cấu tăng trưởng kinh tế, nhấn mạnh trọng tâm phát triển nền kinh tế cung ứng nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, mở rộng cơ hội việc làm và nâng cao năng lực công nghiệp.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp trực tuyến tại Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Mikhail Mishustin, ông Putin nhấn mạnh rằng nền kinh tế Nga cần một sự chuyển đổi mạnh mẽ thay vì tiếp tục dựa vào các mô hình phát triển truyền thống. Ông cho rằng trong bối cảnh chịu áp lực từ các biện pháp trừng phạt quốc tế và những thách thức nội tại, việc thay đổi cấu trúc tăng trưởng không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là điều kiện để bảo đảm ổn định kinh tế trong dài hạn.

Theo nhà lãnh đạo Nga, chiến lược tăng trưởng mới phải tập trung vào việc thiết lập các nhà máy và cơ sở sản xuất hiện đại tại tất cả các khu vực trên cả nước. Các cơ sở này không chỉ tạo ra việc làm mà còn phải vận hành dựa trên các nguyên tắc quản lý tiên tiến và nền tảng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hiện đại.

Khái niệm nền kinh tế cung ứng mà ông Putin đề cập nhấn mạnh việc giảm phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu, củng cố chuỗi cung ứng nội địa và xây dựng một hệ thống công nghiệp bền vững. Mô hình này không chỉ nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh Nga đang đẩy mạnh hợp tác thương mại với các đối tác ngoài phương Tây như Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và các nước thuộc khu vực Á - Âu.

Việc tái cơ cấu tăng trưởng theo hướng phát triển nền kinh tế cung ứng đòi hỏi chính phủ Nga phải thực hiện hàng loạt cải cách về chính sách công nghiệp, đầu tư vào công nghệ tiên tiến và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nội địa phát triển bền vững. Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng để đạt được những mục tiêu này, ngành công nghiệp phải áp dụng các nền tảng công nghệ hiện đại, từ tự động hóa sản xuất đến trí tuệ nhân tạo và số hóa quy trình quản lý. Ông cho rằng các nhà máy mới không thể vận hành theo cách truyền thống mà cần áp dụng các mô hình quản trị tiên tiến nhằm tối ưu hóa sản xuất và nâng cao năng suất lao động.

Những năm gần đây, Nga đối mặt với nhiều thách thức kinh tế do tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu phải tự chủ về công nghệ. Trước tình hình đó, chính phủ đã triển khai nhiều chính sách nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu và phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm như sản xuất chip bán dẫn, công nghệ vũ trụ, năng lượng tái tạo và công nghiệp quốc phòng.

Một trong những trở ngại lớn đối với nền kinh tế Nga hiện nay là khả năng thu hút đầu tư và đẩy mạnh đổi mới công nghệ. Để khắc phục điều này, chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, từ chính sách giảm thuế, cung cấp các khoản vay ưu đãi đến khuyến khích chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được coi là yếu tố then chốt trong tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế.

Thời gian qua, Nga đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy doanh nghiệp nội địa mở rộng sản xuất. Các khu công nghiệp và đặc khu kinh tế được thành lập tại nhiều địa phương để thu hút vốn đầu tư và phát triển các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, chính phủ cũng mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia thân thiện nhằm tăng cường thị trường xuất khẩu và tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế, giảm tác động từ các hạn chế thương mại quốc tế.

Mặc dù chính phủ Nga đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết. Một trong số đó là bảo đảm nguồn lực tài chính đủ lớn để triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm trong bối cảnh nền kinh tế chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nga cũng cần thời gian để thích nghi với công nghệ mới và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng chiến lược phát triển nền kinh tế cung ứng mà Tổng thống Putin đề ra có thể giúp Nga dần giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, củng cố nền tảng kinh tế nội địa và tăng cường vị thế trên trường quốc tế. Nếu thực hiện thành công, chính sách này không chỉ giúp Nga vượt qua những khó khăn hiện tại mà còn đặt nền móng cho một giai đoạn tăng trưởng ổn định và bền vững.

Với quyết tâm của chính phủ và sự đồng hành của doanh nghiệp, cùng các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, Nga đang khẳng định một nền kinh tế tự chủ, hiện đại và có khả năng thích ứng cao trước những biến động của tình hình toàn cầu.

Hoàng Tuấn Anh/Báo Tin tức (Theo TASS)
Bất chấp khó khăn, kinh tế Nga có nhiều triển vọng trong năm 2025
Bất chấp khó khăn, kinh tế Nga có nhiều triển vọng trong năm 2025

Bất chấp những dự báo bi quan về làn sóng phá sản, nền kinh tế Nga ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực tư nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN