Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp nước chủ nhà Abdelmadjid Tebboune, Tổng thống Macron nhấn mạnh hai nước cần thẳng thắn đối diện với lịch sử và "có trách nhiệm xây dựng tương lai" cho người dân hai bên. Ông thông báo hai nước sẽ thành lập một ủy ban chung gồm các nhà sử học của Pháp và Algeria để nghiên cứu các tài liệu lưu trữ về thời kỳ đô hộ của của Pháp ở Algeria, bao gồm cả cuộc đấu tranh giành độc lập kéo dài 8 năm của quốc gia Bắc Phi này.
Về phần mình, Tổng thống Tebboune nêu bật "động lực tích cực" trong quan hệ song phương, đánh giá có "triển vọng đầy hứa hẹn trong việc cải thiện mối quan hệ đối tác đặc biệt gắn kết" giữa hai nước.
Trước đó cùng ngày, ông Macron đã cùng Tổng thống Tebboune đến viếng đài tưởng niệm các binh sĩ tử trận trong cuộc chiến giành độc lập, kết thúc hơn 130 năm đô hộ của Pháp vào năm 1962. Theo Văn phòng Tổng thống Pháp, ông Macron là Tổng thống Pháp đầu tiên được sinh ra sau khi Algeria giành độc lập, ông hy vọng sẽ "đặt nền móng để xây dựng lại và phát triển" một mối quan hệ đôi khi vẫn còn chông gai với quốc gia Bắc Phi này.
Chuyến thăm của Tổng thống Pháp diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước trở nên xấu đi vào năm ngoái, sau khi những phát biểu của ông Macron về lịch sử Algeria dẫn đến rạn nứt ngoại giao. Tháng 9 năm ngoái, Pháp quyết định giảm số thị thực nhập cảnh cấp cho quan chức Algeria. Đáp lại, Algeria triệu hồi Đại sứ nước này tại Pháp và đóng cửa không phận đối với máy bay quân sự Pháp. Sau những tháng khủng hoảng ngoại giao, hai nước quyết định nối lại đối thoại chính trị vào tháng 12 năm ngoái.
Truyền thông Algeria đánh giá chuyến thăm của ông Macron cho thấy mong muốn của cả hai nước hướng tới mối quan hệ được xây dựng xung quanh "một tầm nhìn mới dựa trên đối xử bình đẳng và cân bằng lợi ích". Chuyến thăm cũng phản ánh "sự công nhận vai trò trung tâm của Algeria trong khu vực" và "sự trở lại của nước này trên trường quốc tế".
Trong khi đó, các chuyên gia nhận định Algeria sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn, gần đây nước này trở thành trung tâm chú ý của Liên minh châu Âu cũng như Pháp trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu từ Nga.