Tổng thống Nga công bố mục tiêu của chính sách đối nội và đối ngoại

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, cuộc họp báo thường niên năm 2017 của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kết thúc sau 3 giờ 50 phút và cũng giống như cuộc họp báo năm ngoái, thời lượng dành cho các câu hỏi về nội dung trong nước vượt trội so với thời gian dành cho các vấn đề quốc tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp báo lớn thường niên năm 2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phong cách của mình, Tổng thống Nga dễ dàng đưa ra các câu trả lời cụ thể và đúng trọng tâm được câu hỏi. Qua những nội dung tại họp báo có thể thấy Tổng thống Putin đang vững vàng vượt qua những khó khăn từ bên ngoài, tạo dựng niềm tin trong người dân, tiến tới thực hiện các mục tiêu đối nội và đối ngoại của mình.
     
Những câu hỏi đầu tiên xoay quanh vấn đề ra tranh cử năm 2018, lý do và mục đích mà ông tái tranh cử, Tổng thống Putin khẳng định mục tiêu của ông cũng như của chính quyền là nâng cao thu nhập cho người dân, cũng như cải thiện tình hình xã hội của đất nước, hướng tới xây dựng một nước Nga hiện đại, có hệ thống chính trị mềm mỏng, nền kinh tế công nghệ cao.
   
Giới báo chí đặc biệt quan tâm đến các vấn đề trong nước như: ngôn ngữ mẹ đẻ, phát triển hạ tầng, các động lực tăng trưởng kinh tế, chính sách nhân sự, ưu đãi với doanh nghiệp, nhà ở, trẻ em, phát triển tài năng trẻ, chế độ hưu trí.  Đáp lại, Tổng thống Nga khẳng định luôn nói về các vấn đề trong nước một cách trung thực, không đánh bóng, hướng tới cử tri trong nước trước thềm cuộc bầu cử năm 2018 trong các câu trả lời của mình. Không khí buổi họp báo cởi mở, các nhà báo tranh nhau cơ hội được đặt câu hỏi, có những lúc đích thân Tổng thống phải lập lại trật tự trong phòng họp báo. Có khá nhiều nhà báo tuổi còn rất trẻ được đưa ra câu hỏi với người đứng đầu nước Nga.
  
Về tình hình trong nước, Tổng thống Putin cho biết Nga muốn xây dựng một môi trường chính trị và kinh tế có khả năng cạnh tranh, trong đó khẳng định không có tình trạng quản lý “bằng tay”. Trong nhiệm kỳ 6 năm qua, Nga đã đạt được 93-94% mục tiêu đề ra trong các sắc lệnh được công bố vào năm 2012.
  
Về kinh tế, ông Putin khẳng định dù phải trải qua hai cú sốc là biện pháp trừng phạt từ phía phương Tây và giá dầu xuống thấp kỷ lục, song nền kinh tế Nga đã vượt qua và đạt đà tăng trưởng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 1,6%, sản xuất công nghiệp cũng tăng 1,6%, các ngành có tốc độ tăng trưởng tốt còn có dược phẩm, nông nghiệp, xuất khẩu nông nghiệp, đặc biệt là ngũ cốc, Nga đã vươn lên vị trí thứ nhất trên thế giới về xuất khẩu ngũ cốc. Ngoài ra, lạm phát ở mức thấp lịch sử, thâm hụt ngân sách chỉ có 2,2%. Đó là những dấu hiệu về một nền kinh tế khỏe mạnh và tăng trưởng...
              
Các vấn đề quốc tế được bắt đầu với quan hệ Nga-Mỹ cũng như với cá nhân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tổng thống Nga cho biết dù bị nhiều cản trở, ông Trump vẫn mong muốn cải thiện quan hệ với Nga, do đó ông Putin bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ giữa hai nước sẽ được bình thường hóa. Bên cạnh đó, người đứng đầu nước Nga cũng bác bỏ những cáo buộc về cái gọi là sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ, chỉ trích thái độ phân biệt tại Mỹ đối với các cơ quan báo chí của Nga, gọi đây là “điều vớ vẩn”, và cho rằng đây là sản phẩm của những người phản đối Tổng thống Donald Trump tại Mỹ.
    
Khi được hỏi về mối quan ngại trước khả năng Hiệp ước về tiêu hủy tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) ký năm 1987 giữa Nga và Mỹ bị hủy bỏ, Tổng thống Nga khẳng định về thực chất, Mỹ đã ra khỏi Hiệp ước này. Trong khi đó, lãnh đạo Nga khẳng định Nga sẽ chỉ bảo đảm nền an ninh của mình chứ không bị lôi kéo vào chạy đua vũ trang. Nga duy trì chi phí cho quân sự ở mức cân bằng giữa tiềm lực bảo đảm an ninh và phát triển kinh tế. Hiện nay chi phí này của Nga ở mức trên 46 tỷ USD, so với 700 tỷ USD của Mỹ. Trong năm 2018, Nga sẽ chi 2.800 tỷ ruble để mua vũ khí, tương đương 2,8% GDP.
    
Về vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Putin khẳng định Nga không công nhận quy chế cường quốc hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, theo ông, chính phương Tây đã kích động Bình Nhưỡng phá bỏ các thỏa thuận về vũ khí. Và sau khi nhìn thấy những bài học quá khứ với Lybya và Iraq, Triều Tiên không còn lối thoát nào khác là phải tự vệ.
  
Trả lời nhà báo Ukraine cũng như một số nhà báo khác quan tâm về quan hệ Nga- Ukraine, ông Putin trước hết khẳng định Nga và Ukraine là hai nước hết sức gần gũi. Theo lời Tổng thống Putin, do hậu quả của cuộc đảo chính mà Ukraine rơi vào tình hình như hiện nay với thảm họa tại vùng Donbass. Tổng thống Nga cũng tái khẳng định tại Donbass không có quân đội Nga tham chiến, và con đường giải quyết xung đột hiện nay chỉ có thể là tiến trình thực hiện thỏa thuận Minsk cũng như đàm phán giữa Kiev và Donbass.
  
Quan hệ Nga-Trung Quốc, cũng được Tổng thống Nga đánh giá tích cực ở góc độ hợp tác kinh tế, trong các dự án công nghệ cao. Theo nhận định của Tổng thống Putin, mối quan hệ bền chặt hơn giữa Nga và Trung Quốc mang lại điều tốt đẹp cho tất cả mọi người. Ông cho biết Nga ủng hộ việc Trung Quốc tham gia các dự án của Nga, bao gồm các dự án về năng lượng.

Về chuyến công du gây tiếng vang vừa qua tới ba nước Syria, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin cho biết chuyến đi được lập kế hoạch từ lâu và giờ đây Nga tập trung vào các vấn đề tái thiết lại Syria, trong đó Nga sẵn sàng giải quyết vấn đề người tị nạn trong khuôn khổ “nỗ lực chung”.

Nhân dịp này, ông Putin cũng tái khẳng định lập trường của Nga ủng hộ một Iraq thống nhất. Tuy nhiên, ông cho biết Chính phủ Nga sẽ tiếp tục ủng hộ các hoạt động của Rosneft - công ty dầu mỏ lớn nhất của nước này đang hoạt động ở khu tự trị người Kurd (Cuốc) ở Iraq vì lợi ích của chính nước này, khu tự trị cũng như kinh tế Nga.


TTXVN/Báo Tin tức
Tổng thống Putin: Trung Quốc luôn là đối tác chiến lược của Nga
Tổng thống Putin: Trung Quốc luôn là đối tác chiến lược của Nga

Trong cuộc họp báo hàng năm diễn ra ngày 14/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục làm rõ chính sách đối ngoại của Moskva trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN