Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: EPA/TTXVN |
Trong thông báo cùng ngày, Điện Elysee chỉ cho biết rất ngắn gọn rằng hai nhà lãnh đạo đã thảo luận một loạt vấn đề liên quan đến hòa bình và ổn định tại Trung Đông, nhưng không đề cập cụ thể đến thỏa thuận hạt nhân Iran.
Cùng ngày, tại cuộc thảo luận diễn ra vào phút chót với Tehran, Liên minh châu Âu (EU) đã nhắc lại sự ủng hộ của khối này đối với thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với Nhóm P5+1.
Theo tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp, EU nhấn mạnh: "Đại diện Anh, Đức, Pháp và một quan chức EU đã có cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi tại Brussels (Bỉ) và tận dụng cơ hội này để nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với việc thực thi đầy đủ liên tục và hiệu quả thỏa thuận JCPOA với tất cả các bên".
Cũng liên quan đến JCPOA, nguồn tin của Bộ Ngoại giao Đức ngày 8/5 cho biết việc tiếp tục đối thoại trong những ngày tới nhằm tránh nguy cơ leo thang mất kiểm soát sau quyết định của Tổng thống Donald Trump là rất quan trọng. Nguồn tin trên nhấn mạnh: "Trong vài tuần qua, chúng tôi đã liên lạc chặt chẽ ở nhiều cấp độ, đặc biệt với các đối tác của nhóm E3 (gồm Anh, Pháp và Đức), từ cấp làm việc đến cấp ngoại trưởng nhằm thuyết phục ông Donald Trump không rút khỏi JCPOA, một thỏa thuận mà nhóm này cho rằng đang phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân".
Trong khi đó, theo một nguồn thạo tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, bước đi đầu tiên hướng đến việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và nhóm P5+1 này. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ cho đến khi Tổng thống Trump đưa ra quyết định của mình.
Phản ứng trước những động thái trên, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Iran Ali Shamkhani tuyên bố Tehran sẽ không bị động nếu Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Hãng thông tấn Fars dẫn lời ông Ali Shamkhani nói: "Chúng tôi sẽ không bị động nếu Mỹ tuyên bố đối đầu với Iran".
Tháng 7/2015, Iran và Nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận giải quyết hồ sơ hạt nhân của Tehran. Theo Kế hoạch hành động tổng thể do các nước này soạn thảo, bắt đầu từ tháng 1/2016, Liên hợp quốc, Mỹ và EU bãi bỏ các biện pháp trừng phạt Iran. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần gọi thỏa thuận này là văn kiện "nguy hiểm", không ngăn chặn được mà chỉ trì hoãn khả năng Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. Ngày 12/1, Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận nếu văn kiện không được sửa đổi. Ngày 8/5 là thời điểm ông Trump dự định sẽ đưa ra quyết định đối với JCPOA.