Người Mỹ băn khoăn không hiểu Tổng thống Barack Obama trong khi ở tận Bali, Inđônêxia, cách Mỹ tới nửa vòng trái đất, làm thế nào để "vươn" được tay về tới tận Nhà Trắng ký luật về chi ngân sách trong năm tài khóa 2012 vào chiều thứ 6 tuần trước, chỉ một ngày sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật?
Tổng thống Obama tự tay ký đạo luật thuế ngày 17/12/2010. Ảnh: Internet |
Bí mật của nó nằm cả ở trong chiếc máy có tên là Chiếc bút tự động xách tay. Chiếc bút máy tự động này đã mô phỏng lại chữ ký của ông Obama, nắn nót theo từng nét, ký vào góc bên phải của dự luật có trị giá lên tới cả ngàn tỉ USD. Và cả hệ thống chính quyền, các bộ ngành và lĩnh vực then chốt của nước Mỹ không còn phải phấp phỏng là trong năm 2012, họ sẽ lấy tiền ở đâu ra chi trong bối cảnh hai đảng vẫn chưa nhìn chung một hướng và nền kinh tế hồi phục chậm chạp.
Theo quy trình ở Mỹ, một điều luật sau khi được thông qua ở quốc hội - cơ quan lập pháp, sẽ chỉ có đầy đủ giá trị thực thi sau khi có chữ ký của tổng thống - người đứng đầu cơ quan hành pháp. Và ngày 18/11 mới đây là hạn chót để ông Obama ký vào dự luật chi ngân sách cho năm tài khóa 2012 vốn đã bắt đầu từ ngày 1/10.
Bởi thế, nếu như ông Obama yêu cầu nhân viên của mình bay hơn nửa ngày để tới Bali với dự luật rồi lại bay về chỉ để xin ông chữ ký, thì quá tốn kém và không kịp thời gian. Người đứng đầu Nhà Trắng cuối cùng đã chọn giải pháp để chiếc máy ký thay mình.
Đây là lần thứ hai ông Obama sử dụng công nghệ để làm một việc mà trước đây, các người tiền nhiệm của mình hầu như chỉ ký trực tiếp. Hồi tháng 5/2011, ông Obama đã ký gia hạn thêm 4 năm Đạo luật yêu nước (Patriot Act) trong khi ông đang ở Pháp trong chuyến công du châu Âu, chỉ một ngày trước khi nó đáo hạn.
Cựu Tổng thống George W. Bush chỉ nhất định ký trực tiếp vào các văn bản, dù cho ông này có ở bất cứ đâu. Còn nhớ, năm 2005, ông Bush đã dùng chuyên cơ Airforce One để bay từ bang Texas về thủ đô Oasinhtơn để ký vào dự luật duy trì sự sống khi nước Mỹ nổ ra tranh cãi có cho phép rút ống thở hỗ trợ cho các bệnh nhân sống thực vật để họ qua đời hay không.
Nhưng người được cho là vị tổng thống đầu tiên của Mỹ dùng chiếc bút viết tự động này để ký thay mình, đó là Hary S. Truman khi ông "ký" từ xa vào dự luật cứu trợ tài chính đối với Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ năm 1947.
Mặc dù đã có tiền lệ nhưng vẫn nổ ra tranh cãi về chữ ký bằng máy của ông Obama. Vấn đề không phải là nguy cơ giả mạo. Mà là tính hợp hiến, hợp pháp.
Các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa đã phản ứng mạnh mẽ. 21 hạ nghị sĩ (đều thuộc đảng Cộng hòa) đã đòi ông Obama phải hứa sẽ không bao giờ dùng "máy bút" nữa. Nghị sĩ Tom Graves còn viết trong một bức thư rằng: "Có phải chiếc bút bằng máy đó đã ký thay ngài, và hãy giải thích thật chi tiết rằng quyền năng nào đã cho phép ngài ủy quyền trong việc ký ban hành luật".
Điều I, phần 7, Hiến pháp Mỹ ghi: "Bất cứ dự luật nào cũng phải được thông qua ở Thượng viện và Hạ viện, và để trở thành luật, phải được trình lên tổng thống. Nếu như chấp thuận, tổng thống ký; còn không, tổng thống phải gửi trả lại quốc hội".
Tuy nhiên, Nhà Trắng cũng từng lên tiếng bảo vệ với lý lẽ nếu như Tổng thống Obama trực tiếp ký, sẽ không thể kịp theo thời hạn. Như "vụ" hồi tháng 5, ông Obama chỉ nhận được văn bản từ quốc hội để ký chỉ đúng 15 phút trước khi hết thời hạn trong khi ông Obama đang có mặt ở Pháp, cách nước Mỹ gần 6.000 km. Và Nhà Trắng tin rằng, Văn phòng tư vấn pháp lý của Bộ Tư pháp đã khẳng định là hợp pháp, nếu căn cứ theo văn bản dài tới 29 trang, trong đó có đoạn "... Tổng thống có thể ký ban hành luật theo quy định của Điều I, Phần 7 thông qua quyết định cho cấp dưới điền chữ ký của tổng thống, như một chiếc "máy bút" chẳng hạn".
Như vậy, qua chuyện ký bằng tay hay ký bằng máy của ông Obama cũng đã cho thấy trong hoàn cảnh nước Mỹ đang chịu nhiều sức ép, thì vấn đề đối đầu giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng là một nguyên nhân.
Tuấn Đạt (P/v TTXVN tại Mỹ)