Tổng thống Mỹ để ngỏ khả năng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói với Trung Quốc rằng ông Trump sẵn sàng hoan nghênh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một cuộc gặp tại Mỹ, nếu Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Các nguồn tin giấu tên ngoại giao ngày 8/5  nhấn mạnh rằng ý tưởng này là một phần trong hàng loạt đề xuất mà Mỹ đưa ra trong các cuộc thảo luận gần đây với giới chức Trung Quốc về phương án giải quyết tốt nhất vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Chính quyền mới của Mỹ cũng nói rằng họ sẽ không sử dụng các hành động quân sự và sẽ bảo đảm an ninh cho chế độ của ông Kim Jong-un nếu các chương trình vũ khí nói trên của Bình Nhưỡng bị hủy bỏ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm các đơn vị quân đội đóng trên 2 hòn đảo nhỏ ở khu vực phía tây nam. Ảnh:YONHAP/TTXVN

Giới chức Mỹ cũng lưu ý rằng các phương án, trong đó có một cuộc tấn công quân sự, đang được cân nhắc nhằm tìm cách kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, họ cũng đồng thời nói rằng cánh cửa đối thoại vẫn còn để ngỏ. Trước đó, chính quyền của ông Trump hồi cuối tháng 4 nói rằng rằng cách tiếp cận cơ bản của Washington đối với Triều Tiên là gây áp lực buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân bằng cách "thắt chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và theo đuổi các biện pháp ngoại giao với các đồng minh và các đối tác trong khu vực".


Hồi đầu tháng 5, Tổng thống Trump đã nói rằng ông không loại trừ cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên nếu một môi trường thích hợp được tạo ra. Những đề nghị của Mỹ tập trung vào 4 cam kết: Đổi lấy việc Triều Tiên từ bỏ việc phát triển các công nghệ hạt nhân và tên lửa, Mỹ sẽ không tìm cách thay đổi chế độ, không làm sụp đổ chế độ hoặc thúc đẩy việc thống nhất bán đảo Triều Tiên, cũng như không tìm kiếm một cái cớ để tiến về phía Bắc của vĩ tuyến 38, đường biên giới trên thực tế ở bán đảo Triều Tiên.


Trung Quốc được cho là đã thông báo cho Triều Tiên tất cả những đề xuất nói trên của Mỹ. Về phần mình, Triều Tiên đã yêu cầu Mỹ rút lực lượng vũ trang ở Hàn Quốc và ký một hiệp ước hòa bình lâu dài để thay thế lệnh ngừng bắn đã chấm dứt, nhưng về mặt kỹ thuật thì chưa bao giờ kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Triều Tiên không giấu diếm sự sẵn lòng trở lại bàn đàm phán với Mỹ. Theo các nguồn tin trên, một nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên phụ trách các vấn đề về Mỹ dự kiến sớm gặp các quan chức Chính phủ Mỹ ở Na Uy.


TTXVN/Tin Tức
Mỹ và Triều Tiên tổ chức đàm phán không chính thức
Mỹ và Triều Tiên tổ chức đàm phán không chính thức

Các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức của Mỹ và Triều Tiên đã tổ chức đàm phán “không chính thức” kéo dài trong 2 ngày, bắt đầu từ ngày 8/5 tại một quốc gia châu Âu, qua đó dấy lên hy vọng tiếp tục cuộc đối thoại chính thức giữa hai nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN