Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Đúng ngày kỉ niệm tròn 3 năm xung đột Nga – Ukraine (24/2/2022 - 24/2/2025), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể kết thúc “trong vòng vài tuần” và khẳng định Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu được triển khai tại Ukraine như một phần của thỏa thuận tiềm năng.
“Tôi nghĩ chúng ta có thể kết thúc nó trong vòng vài tuần. Nếu chúng ta thông minh. Nếu không, cuộc chiến sẽ tiếp diễn, và chúng ta sẽ tiếp tục mất đi những con người trẻ trung, tuyệt vời, những người đáng lẽ ra không phải chết”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói khi đứng cùng người đồng cấp phía Pháp Emmanuel Macron tại Nhà Trắng.
Ông Trump tuyên bố Mỹ ủng hộ việc gửi quân đội châu Âu để giám sát lệnh ngừng bắn và rằng ông đã thảo luận đề xuất này với ông Putin, người mà ông cho là “sẽ chấp nhận điều đó”.
Theo báo The Kyiv Independent ngày 25/2, khi được hỏi liệu Ukraine có nên sẵn sàng nhượng bộ lãnh thổ cho Liên bang Nga như một phần của thỏa thuận đàm phán hay không, ông Trump trả lời: “Chúng ta sẽ xem xét”, đồng thời lưu ý rằng các cuộc đàm phán vẫn đang ở giai đoạn đầu.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết châu Âu sẵn sàng cung cấp các đảm bảo an ninh cho Ukraine, bao gồm cả lực lượng gìn giữ hòa bình trong trường hợp có lệnh ngừng bắn.
Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud (thứ 4, trái), Ngoại trưởng Liên bang Nga Sergey Lavrov (phải), Cố vấn của Tổng thống Liên bang Nga về chính sách đối ngoại Yuri Ushakov (thứ 2, phải), Ngoại trưởng Mỹ Marco Antonio Rubio (thứ 2, trái), Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz (thứ 3, trái) và Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff (trái) tại cuộc đàm phán ở Riyadh, Saudi Arabia, ngày 18/2/2025. Ảnh: Reuters/TTXVN
Vào hôm 18/2, Liên bang Nga và Mỹ đã tiến hành cuộc hội đàm tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia để bàn vấn đề kết thúc cuộc chiến ở Ukraine mà không có sự tham dự của Kiev và đại diện châu Âu.
Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao Mỹ và Liên bang Nga kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022.
Cuộc họp tiếp theo như một thông báo công bố trên mạng lưới dịch vụ công C-Span, dự kiến diễn ra vào ngày 25/2, cũng tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ mọi kết quả có thể có từ các cuộc đàm phán này, nhấn mạnh rằng Kiev không hề được đưa vào bàn thảo luận.
Các đồng minh châu Âu cũng đã bày tỏ quan ngại về việc bị gạt ra ngoài các cuộc đàm phán, làm dấy lên thêm nghi ngờ về hiệu quả của các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra.
Gần đây, ông Macron đã kêu gọi các đối tác châu Âu thảo luận về các đảm bảo an ninh cho Ukraine. Thủ tướng Anh Keir Starmer dự kiến sẽ đến Washington vào cuối tuần này để gặp ông Trump. Vương quốc Anh được cho là đang chuẩn bị đề xuất một kế hoạch triển khai 30.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình châu Âu đến Ukraine như một đảm bảo an ninh sau lệnh ngừng bắn. Ông Macron cũng đã dẫn đầu lời kêu gọi một sứ mệnh do châu Âu dẫn dắt nhằm đảm bảo ổn định tại Ukraine.
Ông Trump nhiều lần tuyên bố rằng ông muốn châu Âu chịu trách nhiệm tài trợ và giám sát an ninh của Ukraine.
Chính quyền của ông Trump cũng đã gây áp lực buộc Kiev ký một thỏa thuận khoáng sản với Mỹ.
Theo báo The Kyiv Independent ngày 24/2, cuộc đàm phán về thoả thuận này vẫn đang diễn ra và như thông báo của Phó Thủ tướng Ukraine phụ trách Hội nhập châu Âu và Euro-Atlantic, đồng thời là Bộ trưởng Tư pháp, bà Olha Stefanishyna, thì các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Mỹ về thoả thuận liên quan đang ở “giai đoạn cuối” khi “gần như tất cả các chi tiết quan trọng đã được hoàn tất”.
Các báo cáo trên truyền thông cho hay bản dự thảo mới nhất do Nhà Trắng đưa ra yêu cầu Ukraine nhượng lại 500 tỷ USD giá trị tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả khoáng sản quan trọng, để bù đắp cho khoản viện trợ mà Mỹ đã cung cấp.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến nay vẫn từ chối ký thỏa thuận này vì nó không chứa bất kỳ đảm bảo an ninh nào cho Ukraine trong cuộc chiến với Liên bang Nga, và bởi vì con số 500 tỷ USD cao hơn nhiều so với 100 tỷ USD viện trợ dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, vốn được cấp dưới dạng viện trợ không hoàn lại.
Theo báo cáo, đề xuất ban đầu của Nhà Trắng tìm kiếm 50% quyền lợi trong tài nguyên thiên nhiên của Ukraine, bao gồm các khoáng sản quan trọng, dầu mỏ, khí đốt, cũng như cơ sở hạ tầng thiết yếu và cảng biển. Tuy nhiên, ông Zelensky tuyên bố Ukraine chưa sẵn sàng “chia đôi 50/50 mà không biết trước điều gì sẽ xảy ra”.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhấn mạnh rằng Mỹ đề xuất viện trợ trong tương lai với lãi suất 1:2. “Mỗi một đô la Mỹ, Ukraine phải trả lại gấp đôi. Nói đơn giản, đây là khoản vay với lãi suất 100%”, ông Zelensky nói.
Washington đã gia tăng áp lực lên Kiev để ký thỏa thuận, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai chỉ trích Tổng thống Ukraine là một “nhà độc tài không có bầu cử” và thúc giục ông Zelensky “hành động nhanh, nếu không sẽ không còn đất nước để mà bảo vệ”.