Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ bất ngờ xuất hiện gần biên giới Nga và Belarus

Đúng dịp kỷ niệm ba năm ngày xung đột Nga – Ukraine bùng nổ (24/2/2022 – 24/2/2025), một chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 của Không quân Mỹ đã thực hiện màn phô trương sức mạnh đáng chú ý tại khu vực Baltic.

Chú thích ảnh
Ngày 24/2/2025, Không quân Phần Lan đã huấn luyện cùng với một máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress của Không quân Mỹ và các tiêm kích F-35 của Không quân Hà Lan trong không phận Estonia. Buổi huấn luyện kết thúc bằng một màn bay qua Tallinn để kỉ niệm Ngày Độc lập của Estonia. Ảnh: Không quân Phần Lan/X

Theo dữ liệu theo dõi chuyến bay trực tuyến flightradar24.com, một chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52H Stratofortress của Không quân Mỹ đã bay qua thủ đô Tallinn của Estonia trong một nhiệm vụ đưa nó đến cách biên giới Liên bang Nga khoảng 50 dặm (hơn 80km).

Trước đó, chiếc B-52 này đã xuất hiện trên bầu trời Tallinn để kỉ niệm Ngày Độc lập của Estonia, nhưng theo trang tin quân sự TWZ, các diễn biến địa chính trị rộng lớn hơn trong khu vực khiến chuyến bay này mang một ý nghĩa khác. Khi bay qua Tallinn, chiếc máy bay ném bom chiến lược này đã tham gia đội hình cùng bốn tiêm kích tàng hình F-35A và hai tiêm kích F/A-18 Hornet. Các máy bay F-35 có khả năng cao là của Không quân Hoàng gia Hà Lan, hiện đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra đường không ở Baltic từ căn cứ không quân Ämari của Estonia. Trong khi đó, các tiêm kích F/A-18 thuộc biên chế Không quân Phần Lan.

Dù là một chuyến bay đã được lên kế hoạch, nhưng sự xuất hiện của B-52 đã làm dấy lên nhiều suy đoán trên mạng xã hội, đặc biệt khi nó diễn ra đúng ba năm kể từ ngày Liên bang Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine.

Ý nghĩa của chuyến bay

Theo TWZ, các chuyến bay qua Tallinn trong Ngày Độc lập của Estonia không phải là hiếm, và trước đây cũng đã từng có sự tham gia của B-52.

Mặt khác, tín hiệu từ một chuyến bay như thế này không thể bị bỏ qua, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Liên bang Nga – cũng như giữa Washington và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – đang có sự điều chỉnh kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức.

Chiếc B-52, thuộc Lực lượng Ném bom số 5 từ căn cứ không quân Minot, Bắc Dakota (Mỹ) là một trong hai chiếc hiện đang được triển khai đến Fairford như một phần của hoạt động BTF định kỳ. Các nhiệm vụ như vậy thường bao gồm các chuyến bay qua khu vực Biển Baltic – một khu vực có tầm quan trọng đáng kể, đặc biệt là sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ và sự gia tăng căng thẳng giữa Đông và Tây.

Xem video Không quân Phần Lan, cùng với các đồng minh, đã tham gia cuộc diễu hành kỉ niệm Ngày Độc lập của Estonia tại Tallinn. Nguồn: Không quân Phần Lan/X

Lộ trình chuyến bay và thông điệp chiến lược

Sau khi bay qua Tallinn, chiếc B-52 tiếp tục di chuyển về phía Đông, hướng tới thành phố Saint Petersburg. Dựa trên dữ liệu từ các trang web theo dõi chuyến bay trực tuyến, máy bay đã tiến sát biên giới Nga. -Estonia khoảng 50 dặm trước khi chuyển hướng về phía Nam.

Trên đường trở về, chiếc B-52 bay qua Latvia và Lithuania, trước khi tiến vào không phận Ba Lan qua khu vực gọi là “Hành lang Suwalki” – điểm mà máy bay chỉ cách biên giới Belarus khoảng 10 dặm, theo dữ liệu theo dõi chuyến bay trực tuyến. Đây không phải là lần đầu tiên máy bay ném bom của Mỹ bay qua khu vực này.

Hành lang Suwalki là tuyến đường bộ ngắn nhất nối Belarus với vùng lãnh thổ Kaliningrad của Liên bang Nga – một khu vực được quân sự hóa mạnh mẽ. Với chiều dài khoảng 40 dặm, khu vực này đã trở thành một điểm nghẽn quan trọng và là khu vực chiến lược đáng kể đối với cả NATO và Nga. Trong trường hợp xảy ra xung đột, việc Liên bang Nga kiểm soát hành lang Suwalki có thể cắt đứt ba nước Baltic (Lithuania, Latvia và Estonia) khỏi phần còn lại của Liên minh châu Âu, đồng thời tạo ra một cầu nối trên bộ với Kaliningrad.

Tính biểu tượng của một chuyến bay B-52 qua những khu vực cụ thể này rõ ràng là không thể bỏ qua.

Cam kết của Mỹ đối với các quốc gia Baltic

Đối với ba nước Baltic, chuyến bay của B-52 hôm 24/2 có thể được xem như một lời nhắc nhở về cam kết của Mỹ đối với nền độc lập của họ trong bối cảnh Liên bang Nga ngày càng có những động thái mạnh bạo.

Cho đến nay, Bộ Quốc phòng Mỹ chưa đưa ra tuyên bố chính thức về chuyến bay này. Tuy nhiên, vào năm 2023, khi một cặp B-52 cũng bay qua Tallinn trong Ngày Độc lập Estonia, Tướng James Hecker – Chỉ huy Không quân Mỹ tại châu Âu, Không quân châu Phi và Bộ chỉ huy Không quân Đồng minh NATO – đã tuyên bố: “Mỹ và Estonia là đồng minh thân cận, chia sẻ mối quan hệ đối tác mạnh mẽ dựa trên cam kết chung đối với dân chủ, nhân quyền và pháp quyền. Chúng tôi luôn kiên định trong cam kết bảo vệ tự do và chủ quyền của Estonia cũng như tất cả các đồng minh Baltic của chúng tôi, đồng thời răn đe và bảo vệ trước mọi mối đe dọa đối với an ninh chung”.

Tuy nhiên, cam kết này hiện đang trở nên ít chắc chắn hơn, ít nhất là theo những thông điệp gần đây từ chính quyền Trump.

Chú thích ảnh
Ngày 24/2/2025, Không quân Phần Lan đã huấn luyện cùng với một máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress của Không quân Mỹ và các tiêm kích F-35 của Không quân Hà Lan trong không phận Estonia. Buổi huấn luyện kết thúc bằng một màn bay qua Tallinn để kỉ niệm Ngày Độc lập của Estonia. Ảnh: Không quân Phần Lan/X

Những chuyển biến trong chính sách đối ngoại của Mỹ

Trong những tuần gần đây, ông Trump đã gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là một “nhà độc tài” và quy trách nhiệm cho Kiev về việc khơi mào chiến tranh với Liên bang Nga. Đồng thời, chính quyền Trump đã có động thái đột ngột nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Moskva (Moscow).

Tại Hội nghị An ninh Munich vào đầu tháng này, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã chỉ trích các nhà lãnh đạo châu Âu về việc đàn áp quyền tự do ngôn luận, không kiểm soát được dòng người di cư bất hợp pháp, và phản bội “những giá trị cơ bản nhất” của phương Tây. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố rằng Mỹ “không còn là nước bảo đảm an ninh chính của châu Âu”.

Những tuyên bố này chắc chắn sẽ khiến các quốc gia Baltic đặc biệt lo ngại, bởi họ phụ thuộc rất nhiều vào các đồng minh NATO để phòng thủ.

Truyền thống của NATO tại châu Âu vẫn luôn dựa trên khả năng răn đe hạt nhân – với vai trò then chốt của các máy bay ném bom có thể mang vũ khí hạt nhân như B-52 và các đợt triển khai BTF định kỳ. Tuy nhiên, với sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Mỹ và kỳ vọng mới của Washington đối với NATO, cam kết này hiện đang trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó, một màn phô trương sức mạnh như chuyến bay B-52 hôm 24/2 không chỉ gửi thông điệp tới Liên bang Nga, mà còn đến các quốc gia Baltic và các thành viên NATO khác – những nước vốn đã lo lắng trước những tín hiệu gần đây từ chính quyền Trump đối với châu Âu.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo TWZ)
Wikileaks tiết lộ thông tin liên quan việc gia nhập NATO của Ukraine
Wikileaks tiết lộ thông tin liên quan việc gia nhập NATO của Ukraine

Các quan chức Mỹ và châu Âu từ lâu đã nhận thức được nguy cơ xung đột cao bắt nguồn từ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Ukraine, theo tiết lộ của Wikileaks hôm 24/2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN