Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng ngày 13/5, Tổng thống Trump cho rằng việc ông Fauci kêu gọi chính quyền thận trọng trong việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội là không thể chấp nhận được. Ông Trump khẳng định: "Chúng ta sẽ mở cửa đất nước, người dân muốn như vậy và các trường học sẽ mở cửa".
Tổng thống Trump nhấn mạnh kế hoạch này sẽ được thực hiện một cách an toàn và nhanh nhất có thể. Hiện vấn đề có cho phép học sinh, sinh viên trở lại trường học vào tháng 9 tới vẫn là điểm gây tranh cãi lớn nhất giữa Nhà Trắng và giới chức y tế.
Là cố vấn đặc biệt của Nhà Trắng về phòng chống dịch bệnh, ông Fauci lập luận rằng việc chấm dứt lệnh phong tỏa quá sớm có thể gây ra những hệ lụy rất nghiêm trọng, thậm chí là nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát và không thể kiểm soát. Nếu điều này xảy ra,tiến trình phục hồi kinh tế của Mỹ sẽ càng trở nên khó khăn hơn.
Liên quan đến tình hình kinh tế, ngày 13/5, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã cảnh báo về nguy cơ suy thoái kéo dài do dịch bệnh COVID-19. Ông kêu gọi chính phủ chuẩn bị các kế hoạch tài chính và tiền tệ bổ sung để ngăn chặn kịch bản xấu này.
Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến, Chủ tịch Powell hoan nghênh các biện pháp đối phó kinh tế đã triển khai nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của việc đóng cửa nền kinh tế. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng đây chưa thể là "giai đoạn kết" do nhiều yếu tố bất lợi vẫn tiềm ẩn như nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại khi các bang thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội.
Ngoài đánh giá không mấy khả quan về sự phục hồi kinh tế Mỹ, các quan chức FED cho biết tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể tăng lên 20%, thậm chí cao hơn. Tốc độ phục hồi kinh tế sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ an toàn của người dân Mỹ, và tiến trình phục hồi sẽ diễn ra không đồng đều, không chỉ giữa các khu vực mà còn giữa các lĩnh vực của nền kinh tế.
Bởi vậy, theo giới chức FED, việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa xã hội mà không giữ lại một số quy định về hạn chế tiếp xúc vẫn có thể gây ra các đợt bùng phát mới, song việc để nền kinh tế “đóng băng” trong 18 tháng tới, thời điểm giới khoa học dự kiến điều chế được vaccine phòng dịch COVID-19, cũng không phải là một lựa chọn có thể chấp nhận.
Cho đến nay, Mỹ tiếp tục ghi nhận những số liệu không mấy tích cực về tình hình “sức khỏe” của nền kinh tế khi dịch COVID-19 vẫn hoành hành ở nước này. Trong tháng Tư, số người thất nghiệp tại Mỹ là 20,5 triệu người, tăng 14,7%.
Ngày 12/5, Bộ Tài chính Mỹ thông báo thâm hụt ngân sách ở mức kỷ lục 738 tỷ USD trong tháng 4 vừa qua, trong bối cảnh chi tiêu của chính phủ tăng vọt và nguồn thu thuế sụt giảm do các biện pháp khống chế dịch bệnh. Trong khi đó, tổng thu ngân sách trong tháng này chỉ đạt 242 tỷ USD, giảm 294 tỷ USD. Như vậy, tính từ đầu tài khóa 2020 (bắt đầu từ ngày 1/10/2019), thâm hụt ngân sách của Mỹ đã lên tới 1.481 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 531 tỷ USD cùng kỳ năm 2019.