Nhà lãnh đạo Kazakhstan cho rằng các băng nhóm khủng bố hoạt động ở Kazakhstan đã được đào tạo ở nước ngoài và do đó có thể coi là khủng bố quốc tế. Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Tokayev nêu rõ: “Chúng tôi cho rằng những băng đảng khủng bố này có tính chất quốc tế, chúng đã trải qua đào tạo nghiêm túc ở nước ngoài, cuộc tấn công của chúng vào Kazakhstan có thể và cần được coi là hành động xâm lược. Vì lý do này, trên cơ sở Hiệp ước An ninh Tập thể, tôi đã đề nghị lãnh đạo các quốc gia của CSTO hỗ trợ Kazakhstan vượt qua các nguy cơ khủng bố này”.
Ông Tokayev nói thêm rằng "các băng nhóm khủng bố đang chiếm giữ các cơ sở hạ tầng lớn", bao gồm sân bay ở thành phố Almaty và 5 máy bay trong đó có một máy bay của hãng hàng không nước ngoài.
Theo Tổng thống Kazakhstan, các đơn vị vũ trang nước này đang giao tranh với các nhóm khủng bố ở ngoại ô thành phố Almaty. Ông Tokayev cho biết: “Học viên của các trường quân sự đang chiến đấu với các băng nhóm khủng bố. Ngoài ra, một đơn vị lính dù thuộc Bộ Quốc phòng Kazakhstan đang giao tranh với các nhóm khủng bố ở ngoại ô thành phố Almaty”. Theo ông Tokayev, những kẻ tấn công đã chiếm các tòa nhà sau đó ngoan cố chống lại các lực lượng thực thi pháp luật.
Nhà lãnh đạo Kazakhstan kêu gọi người dân bình tĩnh, chính quyền sẽ làm mọi điều có thể để bảo vệ lợi ích của các công dân. Ông Tokayev nhấn mạnh rằng "đây là một trang rất khó khăn trong lịch sử của quốc gia và nhiều điều phải được nghiên cứu, nhưng điều chính yếu bây giờ là bảo vệ đất nước, bảo vệ công dân”.
Trước đó, cựu phi công vũ trụ, Thiếu tướng Không quân Kazakhstan Toktar Aubakirov đã đưa ra lời kêu gọi đưa quân đội các nước CSTO tới Kazakhstan trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối chính phủ biến thành bạo loạn.
CSTO có 6 quốc gia thành viên, gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan. Điều lệ của tổ chức này cho phép giải quyết tình trạng bất ổn nội bộ, nhưng phải được thực hiện trên cơ sở quyết định của một quốc gia có chủ quyền.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Kyrgyzstan – một trong những thành viên CSTO, quốc gia láng giềng với Kazakhstan và cũng từng trải qua các cuộc biểu tình bạo loạn vào mùa Hè năm 2021, đã bày tỏ sự sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan chức năng Kazakhstan “sự hỗ trợ toàn diện” nếu cần thiết. Bishkek cho rằng “bạo lực, bất tuân luật pháp và khiêu khích, cũng như những lời kêu gọi phạm pháp vô trách nhiệm” đang diễn ra ở Kazakhstan sẽ không chỉ không giải quyết được các vấn đề cấp bách của người dân nước này mà còn khiến tình hình của người dân bình thường trở nên tồi tệ hơn.
Biểu tình bạo loạn đã leo thang ở tỉnh Mangistau, cũng như tại thành phố Aktau và một số thành phố khác của Kazakhstan để phản đối tình trạng tăng giá nhiên liệu. An ninh bất ổn đã buộc Tổng thống Tokayev phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại tỉnh Mangistau, thành phố Almaty và mới đây là tại thủ đô Nur-Sultan.