Tổng thống Widodo cho rằng: "ASEAN phải tiếp tục mua vaccine (ngừa COVID-19) cho các thành viên, tiếp tục chống phân biệt đối xử và chính trị hóa vaccine, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận bình đẳng với vaccine cho tất cả mọi người". Để đạt được mục tiêu đó, Tổng thống Widodo kêu gọi các nhà lãnh đạo ASEAN thực hiện một số bước tăng tốc và củng cố trong lĩnh vực y tế. Thứ nhất, cần đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng trong khu vực.
Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trong khu vực ASEAN vẫn thấp hơn 10% so với tỷ lệ trung bình của thế giới. Thứ hai, việc củng cố kiến trúc y tế khu vực để có thể ứng phó với đại dịch trong tương lai là hoàn toàn cần thiết. Theo đó, phải hài hòa các chính sách khẩn cấp về y tế công cộng giữa các nước ASEAN trong phát hiện, giảm thiểu và các chính sách xuyên biên giới.
Thứ ba, Quỹ Ứng phó COVID-19 của ASEAN phải được chuyển đổi thành một quỹ y tế mạnh của khu vực. Quỹ Y tế khẩn cấp ASEAN được dùng để tài trợ cho việc tiếp cận các thiết bị y tế, chẩn đoán, thuốc men và vaccine trong trường hợp khẩn cấp. Dự trữ vật tư y tế khu vực ASEAN cũng cần được tăng cường.
Theo ông Widodo, khu vực ASEAN được khuyến khích trở thành một trung tâm khu vực về sản xuất thiết bị y tế, chẩn đoán, thuốc và vaccine. Điều này nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các nước ASEAN trong trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Theo Tổng thống Indonesia, thành công trong lĩnh vực y tế, sẽ mở ra cánh cửa thành công trong nền kinh tế. Báo cáo Triển vọng của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) năm 2021 ước tính tăng trưởng kinh tế ASEAN vào năm 2022 ở mức 5%. Tổng thống Widodo cũng cho rằng ASEAN phải chứng minh rằng có thể đạt được nhiều hơn thế bằng cách làm việc có kỷ luật và thực hiện các bước cùng nhau, trong đó có việc thực hiện các chương trình nghị sự chung.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục hoạt động đi lại, bao gồm cả du lịch an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 và việc này phải được cộng đồng quốc tế tin tưởng. Theo đó, việc thực hiện các hành lang đi lại dựa trên Khung sắp xếp Hành lang đi lại ASEAN (ATCAF) cần phải được thực hiện một cách có trật tự.
Tổng thống Indonesia cũng nhấn mạnh rằng tất cả các nước cần thúc đẩy thích ứng với nền kinh tế kỹ thuật số để vượt qua những hạn chế hiện nay trong hoạt động đi lại của người dân. Khu vực ASEAN có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất thế giới, do đó có tiềm năng rất lớn trong phát triển nền kinh tế kỹ thuật số. Trong thời kỳ đại dịch, nền kinh tế kỹ thuật số đã tăng trưởng đạt 100 tỷ USD vào năm 2020 và đây là bước đệm cho tiến bộ kinh tế trong khu vực cũng như đóng góp của ASEAN vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu.