Thái Lan nhấn mạnh ba ưu tiên của ASEAN tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 38

Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 26/10 đã tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 38 diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Brunei. 

Chú thích ảnh
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha phát biểu tại Bangkok ngày 10/3/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Prayut cho rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của khu vực ASEAN trong việc đối phó với các mối đe dọa mới nổi có thể nảy sinh ngoài dự kiến. Từ nay trở đi, ASEAN không chỉ phải nỗ lực để giải quyết dịch COVID-19 và những tác động của đại dịch, mà khu vực này còn cần xem xét các bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng để nâng cao khả năng phục hồi và khả năng sẵn sàng của Cộng đồng ASEAN để ứng phó với những thách thức nổi lên trong tương lai.

Tại hội nghị, Thủ tướng Prayut đã nêu lên ba vấn đề mà ASEAN cần ưu tiên hơn nữa. Thứ nhất, ASEAN cần đảm bảo thực hiện hiệu quả các sáng kiến của hiệp hội về ứng phó với dịch COVID-19, đồng thời tăng cường hơn nữa khả năng sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh mới nổi và tăng cường an ninh y tế công cộng về lâu dài, bao gồm cả việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D) về vaccine để đạt được an ninh và tự lực về vaccine trong khu vực.

Thứ hai, ASEAN nên bắt đầu mở cửa trở lại và cho phép đi lại an toàn để phục hồi các nền kinh tế, sử dụng Khung thỏa thuận hành lang đi lại với sự công nhận lẫn nhau về vaccine và chứng chỉ vaccine để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi công tác và sau này là du lịch. ASEAN cũng nên tránh các biện pháp không cần thiết có thể cản trở sự di chuyển của hàng hóa để đảm bảo kết nối chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch và tận dụng nhiều hơn thị trường nội khối để kích thích nền kinh tế khu vực.

Thủ tướng Prayut hy vọng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có thể có hiệu lực theo đúng mốc thời gian đã định và các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Canada có thể sớm được công bố. Điều này nhằm thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho thương mại và đầu tư cũng như mở rộng các cơ hội thương mại cho các doanh nghiệp để giúp họ phục hồi sau tác động của dịch COVID-19. Thái Lan có kế hoạch đệ trình văn kiện phê chuẩn RCEP lên Tổng thư ký ASEAN vào đầu tháng 11 tới để góp phần đưa RCEP sớm có hiệu lực.

Thứ ba, dịch COVID-19 và các thách thức về thiên tai như biến đổi khí hậu, lũ lụt, cháy rừng hoặc khói bụi xuyên biên giới phản ánh điểm yếu của các phương pháp tiếp cận phát triển hiện tại vốn tập trung chủ yếu vào lợi ích kinh tế, trong khi không tính đến tác động đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Do đó, đã đến lúc cần phải thay đổi mô hình cuộc sống hàng ngày và đạt được “Cân bằng vạn vật” để giúp sự phục hồi và phát triển của ASEAN bền vững hơn, phù hợp với Mô hình kinh tế BCG (sinh học- tuần hoàn-Xanh) mà Thái Lan áp dụng để tự tái tạo cho kỷ nguyên “Bình thường Tiếp theo”.

Theo Thủ tướng Prayut, “Chương trình nghị sự Xanh ASEAN” cần được theo đuổi như một cách tiếp cận cho tương lai của khu vực ASEAN trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thân thiện với môi trường, bằng cách sử dụng các công nghệ xanh và đổi mới cũng như ưu tiên các vấn đề chính phù hợp với những xu hướng toàn cầu.

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Prayut tái khẳng định cam kết của Thái Lan trong việc cùng nhau thúc đẩy Cộng đồng ASEAN và hội nhập khu vực sâu rộng hơn để ASEAN có thể tiếp tục đóng vai trò là động lực chính của nền kinh tế và xã hội toàn cầu.

Ngọc Quang (P/v TTXVN tại Bangkok)
Hội nghị cấp cao ASEAN: Thủ tướng Singapore kêu gọi các nước sớm phê chuẩn RCEP
Hội nghị cấp cao ASEAN: Thủ tướng Singapore kêu gọi các nước sớm phê chuẩn RCEP

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 38 ngày 26/10 diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Brunei, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã kêu gọi các nước sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), nhằm đóng góp cho quá trình hồi phục kinh tế sau đại dịch của khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN