Ông Joko Widodo cũng đã gửi lời chia buồn tới tất cả gia đình và người thân các hành khách và phi hành đoàn cũng như Hãng hàng không Sriwijaya Air. Ông hy vọng rằng những lời cầu nguyện và chia sẻ cảm thông sẽ tiếp thêm sức mạnh và sự kiên nhẫn cho các gia đình nạn nhân.
Cùng ngày, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia (KNKT) Indonesia thông báo các lực lượng chức năng đã bắt đầu điều tra nguyên nhân vụ tai nạn máy bay Boeing 737-500 xảy ra chiều 9/1 tại vùng biển ngoài khơi thủ đô Jakarta.
Phát biểu với hãng tin CNN, người đứng đầu KNKT Suryanto Cahyono nói: "Chúng tôi đã điều 2 nhân viên điều tra thuộc Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn quốc gia đến khu vực được cho là nơi máy bay gặp nạn trên biển để khảo sát vị trí. Chúng tôi cần tìm thêm thông tin về vị trí, để có thể xác định xem nên sử dụng thiết bị nào phù hợp với địa hình dưới nước".
Trong khi đó, một số nhân viên điều tra khác cũng đã được điều đến Cơ quan kiểm soát không lưu tại sân bay Soekarno-Hatta, Cơ quan Khí tượng và Địa vật lý và Hãng hàng không Sriwijaya để thu thập thông tin.
Trong khi đó, hãng tin Indonesia Antara đưa tin cảnh sát ở Jakarta đã thiết lập một trạm chỉ huy tại Bệnh viện Cảnh sát Kramat Jati để xác định danh tính các nạn nhân và tìm kiếm các thành viên gia đình.
Liên quan đến hãng hàng không Sriwijaya Air, trang web của hãng này đưa tin với công suất vận chuyển hơn 950.000 hành khách/tháng, hãng hàng không giá rẻ lớn thứ ba của Indonesia hiện có dịch vụ bay trên các chặng từ trung tâm thủ đô Jakarta đến 53 điểm đến trong cả nước và 3 nước trong khu vực.
Trước đó, năm 2007, Liên minh châu Âu (EU) từng cấm tất cả 51 hãng hàng không của Indonesia, trong đó có Sriwijaya Air được phép bay vào không phận của khối này sau khi một máy bay của Garuda Indonesia, chở 140 hành khách lao qua đường băng ở thành phố Yogyakarta, phía Đông Nam thủ đô Jakarta hồi tháng 3/2007 và bốc cháy, khiến 21 người thiệt mạng.
Các tiêu chuẩn hàng không đã được cải thiện kể từ đó và đến tháng 6/2018 tất cả các hãng hàng không của đảo quốc này đã được đưa ra khỏi danh sách các hãng hàng không cấm bay của EU.
Theo Trung tâm tư vấn hàng không CAPA của Australia, quốc gia 270 triệu dân Indonesia, với hơn 13.000 hòn đảo trải dài trên gần 5.000 km, tương đương khoảng cách từ London (Anh) tới New York (Mỹ), đã chứng kiến sự bùng nổ hàng không nội địa trong những năm gần đây. Vận tải hàng không đã trở thành phương tiện giao thông chính đi lại giữa các đảo, với lưu lượng hành khách tăng gấp ba lần từ năm 2005 đến năm 2017.