Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản vào ngày 28/6 tới, sau đó sẽ thăm Hàn Quốc. Hiện Nhà Trắng chưa công bố lịch trình cụ thể của chuyến thăm này.
Phát biểu tại Diễn đàn Oslo ở thủ đô của Na Uy, Tổng thống Moon Jae-in nói: "Tôi rất muốn gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nếu có thể, trước chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Trump." Ông tái khẳng định sẵn sàng thảo luận với nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng vào bất cứ lúc nào, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải sớm nối lại đối thoại Mỹ - Triều. Theo Tổng thống Moon Jae-in, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên mới đây gửi thư cho Tổng thống Mỹ cho thấy xung lực đối thoại vẫn còn. Tuy nhiên, ông cảnh báo xung lực ấy có thể "tan biến" nếu thế bế tắc trong các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa và hòa bình hiện nay tiếp tục kéo dài. Ông nói: "Tôi kêu gọi sớm tiến hành hội nghị giữa nhà lãnh đạo Kim và Tổng thống Trump".
Phát biểu tại Oslo đúng vào ngày kỷ niệm 1 năm diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên ở Singapore, Tổng thống Moon Jae-in thừa nhận các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa dường như đang rơi vào bế tắc, song mô tả đây là một phần của tiến trình xây dựng lòng tin lẫn nhau. Ông cho rằng Mỹ và Triều Tiên "cần có thời gian để hiểu nhau rõ hơn. Đây chính là quá trình gạt đi các cảm giác thù địch đã tồn tại trong 70 năm qua". Theo ông, Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn thể hiện lòng tin dành cho nhau và quyết tâm giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.
Đề cập đến kinh nghiệm của Na Uy trong hòa bình khu vực, Tổng thống Hàn Quốc nói: "Na Uy chưa bao giờ lùi bước trên hành trình đến hòa bình, thể hiện qua nền hòa bình tồn tại đến ngày hôm nay. Tương tự, Chính phủ Hàn Quốc sẽ kiên định để đạt được hòa bình."
Cũng trong bài phát biểu tại Diễn đàn Oslo, Tổng thống Moon Jae-in đã công bố tầm nhìn "Hòa bình vì con người", cam kết nỗ lực không ngừng nhằm giải quyết tình trạng "bạo lực mang tính cấu trúc" mà nhân dân hai miền Triều Tiên phải chịu đựng do sự chia cắt. Ông nhắc đến khái niệm "hòa bình tích cực" của nhà xã hội học nổi tiếng người Na Uy Johan Galtung, và nhấn mạnh: "Điều quan trọng là giải quyết một cách hòa bình vấn đề bạo lực mang tính cấu trúc mà người dân hai miền Triều Tiên đang phải chịu đựng vì chia cắt."
Na Uy là chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du ba nước Bắc Âu kéo dài một tuần của Tổng thống Hàn Quốc. Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, là vị tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc tới thăm chính thức Na Uy, ông Moon Jae-in sẽ hội đàm thượng đỉnh với Thủ tướng Erna Solberg và tìm kiếm sự ủng hộ của Na Uy cho sáng kiến hòa bình Bán đảo Triều Tiên của Seoul. Tiếp đó, ông sẽ lên thăm tàu hậu cần do doanh nghiệp Hàn Quốc đóng, đang được Hải quân Na Uy sử dụng tại Bergen, thành phố lớn thứ hai của quốc gia Bắc Âu này. Tổng thống Moon Jae-in cũng có kế hoạch tới thăm ngôi nhà của Edvard Grieg, nhà soạn nhạc lỗi lạc người Na Uy, trước khi di chuyển tới thủ đô Stockholm của Thụy Điển, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du ba nước Bắc Âu.