Tổng thống Hàn Quốc chỉ thị đẩy nhanh công tác hỗ trợ và tiêm phòng cho người dân

Ngày 30/3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chỉ thị chính phủ đẩy nhanh công tác chi trả tiền cứu trợ khẩn cấp cho người dân và chiến dịch tiêm phòng COVID-19, bởi đây là hai yếu tố đóng vai trò then chốt trong nỗ lực phục hồi kinh tế toàn diện.

Chú thích ảnh
Một điều dưỡng viên được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca tại Seoul, Hàn Quốc ngày 26/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Đầu tuần này, chính quyền Hàn Quốc đã bắt đầu triển khai đợt 4 hỗ trợ tài chính trực tiếp cho những người dễ bị tổn thương do dịch COVID-19, trong khuôn khổ gói ngân sách bổ sung trị giá 14.900 tỷ won (13,1 tỷ USD). Hàng triệu tiểu thương và các nhóm khác chịu ảnh hưởng nặng từ đại dịch COVID-19 sẽ được hưởng lợi từ chương trình này.

Phát biểu tại cuộc họp nội các hằng tuần, Tổng thống Moon Jae-in nêu rõ gói ngân sách bổ sung sẽ hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn diện, đồng thời kêu gọi đẩy nhanh việc sử dụng ngân sách để giúp đỡ những người thực sự cần. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là tiêm phòng.

Theo ông Moon Jae-in, trong bối cảnh Hàn Quốc chuẩn bị tiêm phòng đại trà cho người dân vào tháng 4, giới chức y tế cần xác định rõ thứ tự ưu tiên một cách cẩn thận và công bằng, cũng như đẩy nhanh quá trình tiêm chủng. Cho đến nay, mới chỉ có các nhân viên y tế và các nhóm ưu tiên khác được tiêm phòng COVID-19. 

Về lĩnh vực kinh tế, Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ lạc quan rằng kinh tế Hàn Quốc sẽ phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ. Tuần trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ tư của châu Á thêm 0,5 điểm phần trăm lên 3,6%.

Liên quan công tác phòng chống dịch, tại Nhật Bản, ngày 29/3, chính quyền thủ đô Tokyo đã yêu cầu tòa án có thẩm quyền xem xét phạt tiền 4 cửa hàng ăn uống không chấp hành quy định rút ngắn thời gian kinh doanh để phòng chống dịch COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, kể từ khi Chính phủ Nhật Bản sửa đổi Luật quy định các biện pháp đặc biệt phòng chống các chủng cúm mới với quy định phạt tiền các trường hợp không chấp hành lệnh phòng chống dịch, Tokyo là địa phương đầu tiên đưa ra yêu cầu này. Nếu được tòa án chấp thuận, mỗi cửa hàng sẽ bị phạt mức tối đa 300.000 yen (2.728 USD). 

Sau khi Chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 1/2021, chính quyền thủ đô Tokyo đã yêu cầu các cửa hàng ăn uống, karaoke rút ngắn thời gian kinh doanh hằng ngày, theo đó đóng cửa vào lúc 20h, song vẫn có khoảng 32 cửa hàng không chấp hành yêu cầu này, buộc chính quyền phải đưa ra biện pháp mạnh hơn là ban bố mệnh lệnh hành chính dựa trên Điều 45 Luật các biện pháp đặc biệt phòng chống chủng cúm mới.

Theo thông báo của chính quyền Tokyo, 4 cửa hàng nói trên liên tục duy trì mở cửa sau 20h cho đến khi chính phủ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại Tokyo vào ngày 21/3 vừa qua. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh thủ đô Tokyo đang đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao. Mặc dù vậy, sau khi tính toán thiệt hại đối với các cửa hàng này, chính quyền Tokyo quyết định không công bố tên cửa hàng vi phạm.

Đặng Ánh - Đức Thịnh (TTXVN)
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer, Moderna đạt hiệu quả 90%
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer, Moderna đạt hiệu quả 90%

Theo nghiên cứu công bố ngày 29/3, các vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna hiệu quả tới 90% trong việc phòng ngừa nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN