Theo phóng viên TTXVN tại Đức, cuộc bầu cử ở Đức vào năm tới diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel tuyên bố sẽ không ra ứng cử sau 4 nhiệm kỳ liên tiếp (từ 2005 đến 2021). Báo chí châu Âu coi cuộc bầu cử năm tới ở Đức sẽ là cuộc "siêu bầu cử", bởi không những sẽ bầu ra một Quốc hội mới mà còn mang tính quyết định trong việc chọn ra một vị thủ tướng kế nhiệm bà Merkel dẫn dắt nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng như giúp Liên minh châu Âu (EU) vượt qua những thách thức phía trước.
Bên cạnh đó, trong năm tới cũng sẽ diễn ra 6 cuộc bầu cử nghị viện cấp bang và bầu cử địa phương ở 2 bang. Trên lý thuyết, cuộc bầu cử tới sẽ bầu ra 598 nghị sĩ quốc hội, song số nghị sĩ thực tế sẽ cao hơn đáng kể do hệ thống bầu cử tương đối phức tạp của Đức. Quốc hội hiện nay có 709 nghị sĩ.
Quốc hội Đức không trực tiếp bầu thủ tướng, song đảng giành được nhiều phiếu nhất có thể đàm phán lập một chính phủ liên minh cầm quyền. Cho tới nay, mới chỉ có đảng Dân chủ Xã hội (SPD) chỉ định ứng cử viên thủ tướng ra tranh cử là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz, trong khi đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) vẫn chưa thể tiến hành đại hội bầu chủ tịch mới để sau đó thống nhất với đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) chọn ứng cử viên thủ tướng của liên đảng bảo thủ. CDU dự kiến tiến hành đại hội đảng vào ngày 16/1/2021. Hiện có 3 ứng cử viên ra tranh cử chức chủ tịch CDU gồm ông Armin Laschet (Thủ hiến bang Nordrhein-Westfalen), ông Friedrich Merz (cựu Chủ tịch đảng đoàn CDU/CSU trong Quốc hội) và ông Norbert Röttgen (Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức).