Tổng thống Bolivia về nước an toàn

Máy bay chở Tổng thống Bolivia đã hạ cánh an toàn tại sân bay La Paz tối 3/7 (giờ địa phương) sau khi rời Vienna (Áo) gần 17 tiếng trước đó. Trước sự chào đón nhiệt tình của gần 100 người ủng hộ tại sân bay, Tổng thống Bolivia, Evo Morales tuyên bố việc một số nước châu Âu đóng cửa không phận với chuyên cơ chở ông chỉ vì nghi ngờ "người lộ tin mật" Edward Snowden đang ở trên đó là sự khiêu khích với cả Nam Mỹ.  “Các nước châu Âu cần giải phóng chính họ khỏi sự thống trị của Mỹ”, ông Morales kêu gọi.
 

Tổng thống Bolivia được chào đón tại sân bay. Ảnh: AFP-TTXVN.


Sự việc xảy ra khi chuyên cơ chở Tổng thống Morales đang trên hành trình trở về từ một hội nghị tại Moscow, nơi cựu nhân viên CIA Snowden vẫn đang ẩn náu trong khu vực quá cảnh của một sân bay ở thủ đô Nga. Bị một loạt các nước châu Âu từ chối cho bay qua và hạ cánh tiếp liệu, chuyến bay đã buộc phải chuyển hướng tới Vienna, Áo để tiếp nhiên liệu cho hành trình dài trở về Nam Mỹ.
 
Sau khi dừng tại Áo, chuyến bay chở ông Morales và đoàn đại biểu Bolivia bắt đầu hành trình trở về, qua hai điểm transit là Tây Ban Nha (quốc gia trước đó đã cấm bay và chỉ tuyên bố mở lại không phận khi chuyên cơ tổng thống Bolivia đã tới Vienna), và Brazil trước khi hạ cánh xuống La Paz.

Sau một loạt những chỉ trích giận dữ nhằm vào cách hành xử của các nước châu Âu, dự kiến Tổng thống các nước Argentina, Venezuela, Peru, Ecuador, Bolivia, Suriname và có thể là Uruguay sẽ tham dự cuộc họp tại Cochabamba (Bolivia) vào ngày 4/7 để bàn về một phản ứng khu vực đối với việc can thiệp chưa từng có tiền lệ vào một chuyên cơ chở tổng thống. 

Một ngày sau vụ bê bối, Pháp đã đưa ra lời xin lỗi về việc tạm đóng cửa không phận với máy bay chở ông Morales. Tổng thống Pháp Francois Hollande giải thích sự việc xuất phát từ những “thông tin mâu thuẫn” về hành khách trên máy bay. Tuy nhiên, trước đó nước này đã hứng chịu phản ứng giận dữ của người dân Bolivia. Cuối ngày 3/7, khoảng 100 người biểu tình đã ném đá và pháo vào đại sứ quán Pháp tại thủ đô La Paz làm vỡ nhiều cửa sổ.

Chính phủ Bolivia cho biết họ đã đệ đơn khiếu nại lên Liên hợp quốc và đang xem xét thêm hình thức pháp lý chứng minh họ đã bị xâm phạm chiểu theo luật pháp quốc tế. Đại sứ Bolivia tại Liên hợp quốc, Sacha Llorenti Soliz nói: “Không có lý do gì khiến máy bay chở Tông thống buộc phải chuyển hướng hành trình và hạ cánh ở đất nước khác”. Bolivia cũng đã triệu tập đại sứ và lãnh sự các nước Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy để giải thích về sự việc đã xảy ra.

Trước những chỉ trích về việc gây áp lực đối với chuyên cơ tổng thống Bolivia hòng bắt giữ "người lộ tin mật", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki chỉ cho biết Mỹ đã liên lạc hoặc công khai hoặc bí mật với một số nước trong 10 ngày gần đây về vấn đề Snowden.

Trong một diễn biến khác, hôm 3/7, Đại sứ quán Ecuador đã yêu cầu giới chức Anh giúp đỡ điều tra thiết bị nghe lén được phát hiện bên trong đại sứ quán nước này ở London hôm 14/6. Đây cũng chính là nơi người sáng lập WikiLeaks, Julian Assange đang sinh sống.

Hà Linh (theo AP)

Tổng thống Bolivia: ‘Tôi đâu phải tội phạm’
Tổng thống Bolivia: ‘Tôi đâu phải tội phạm’

“Tôi đâu phải tội phạm”, ông Morales phẫn nộ phát biểu tại sân bay Vienna sau khi Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha từ chối cho chuyên cơ chở vị tổng thống này bay qua không phận vì nghi ngờ trên máy bay có chở theo “người lộ tin mật” Edward Snowden.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN