Tổng thống Biden nêu quan điểm về Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc

Sau vụ bắn hạ khí cầu của Trung Quốc gần đây, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục xấu đi, kéo theo những lời đe dọa trừng phạt mới và thậm chí khiến giới quan sát lo ngại về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định sẽ không xin lỗi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì đã ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu nghi là do thám của Bắc Kinh bay trên không phận của nước này. 

Dù vậy, ông Biden cho biết sự việc xảy ra ngày 4/2 này đã cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở giữa giới chức ngoại giao và quân sự của hai bên. 

“Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, nhà lãnh đạo Mỹ nói, đồng thời đề cập đến căng thẳng gia tăng gần đây giữa Washington và Bắc Kinh do vụ việc kể trên.

Chiến tranh Lạnh ban đầu là cuộc đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và Liên Xô, nổ ra ngay sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc và kéo dài cho đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Hai siêu cường tránh đối đầu quân sự công khai nhưng tích cực làm suy yếu lẫn nhau thông qua cách hỗ trợ các bên đối lập trong những vụ xung đột khu vực, cũng như thông qua hoạt động do thám, hạn chế kinh tế, tuyên truyền... Giai đoạn này còn xảy ra cuộc chạy đua vũ trang và cuộc chạy đua công nghệ giữa Nhà Trắng và Điện Kremlin trong không gian cùng với nhiều lĩnh vực khác.

“Tôi mong được nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ đi đến tận cùng vấn đề, nhưng tôi không xin lỗi vì đã bắn rơi khí cầu đó xuống”, Tổng thống Biden khẳng định. Tuy nhiên, ông không nói rõ về thời điểm tổ chức điện đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc. 

Phía Mỹ khẳng định khinh khí cầu tầm cao bị bắn rơi trên lãnh thổ Mỹ ngày 4/2 là một thiết bị do thám. Về phần mình, Trung Quốc đã phủ nhận những tuyên bố này và nói rằng đó là một khí cầu dân sự bị gió mạnh thổi chệch khỏi đường bay dự kiến.

Sự cố khinh khí cầu trên đã dẫn đến việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn chuyến thăm Trung Quốc vào cùng thời điểm. Sau đó, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số công ty và viện nghiên cứu Trung Quốc liên quan đến chương trình khinh khí cầu của nước này. 

Ngay sau đó, hãng Reuters đưa tin Trung Quốc đã liệt hai tập đoàn sản xuất vũ khí của Mỹ là Lockheed Martin và Raytheon vào danh sách trừng phạt trong một động thái đáp trả đầu tiên. Hai công ty này bị cấm xuất nhập khẩu và đầu tư tại Trung Quốc.

Hôm 15/2, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua hai nghị quyết lên án hành vi kể trên của Bắc Kinh. Một ngày sau đó, Trung Quốc đã phản ứng gay gắt về động thái này, đồng thời cho rằng các nhà lập pháp Mỹ đã cố ý phóng đại vấn đề để “thêm dầu vào lửa” nhằm gây tổn hại đến Trung Quốc.

Đức Trí/Báo Tin tức
Cấp năng lượng cho máy bay từ những nồi lẩu thừa ở Trung Quốc 
Cấp năng lượng cho máy bay từ những nồi lẩu thừa ở Trung Quốc 

Một thành phần không thể thiếu để làm nên món lẩu Tứ Xuyên hoàn hảo, đó là thật nhiều dầu, mỡ. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN