Tuyên bố trên được bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra ngày 6/10 trước thềm hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến diễn ra vào tuần tới.
Phát biểu tại Đại học Georgetown (Mỹ), bà Georgieva nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là phải "ổn định nền kinh tế toàn cầu bằng cách giải quyết những thách thức cấp bách nhất", trong đó có tình trạng lạm phát. Theo bà, các nhà hoạch định chính sách cần hành động cùng nhau để "ngăn giai đoạn bất ổn ngày càng tăng này trở thành một 'điều bình thường mới' nguy hiểm". Tuy nhiên, người đứng đầu IMF cũng cảnh báo quá trình này sẽ khó khăn và nếu các ngân hàng trung ương hành động quá quyết liệt để giảm áp lực về giá, có thể gây ra một cuộc suy thoái kinh tế "kéo dài".
Tuyên bố của bà Georgieva nêu rõ bên cạnh triển vọng toàn cầu u ám là các nguy cơ suy thoái đang tăng. Chỉ trong chưa đầy 3 năm, thế giới chứng kiến hết cú sốc này đến cú sốc khác. Nguồn cung toàn cầu gặp khó khăn cũng đang là thách thức đối với nền kinh tế thế giới trong bối cảnh nhu cầu tăng cao sau những tác động của đại dịch COVID-19, đẩy lạm phát leo thang trên toàn thế giới. Tình hình trở nên tồi tệ hơn sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, khiến giá lương thực gia tăng.
Bà Georgieva cho biết thể chế tài chính toàn cầu này có kế hoạch tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 trong dự báo có thể được công bố tại hội nghị thường niên, dự kiến diễn ra vào tuần tới tại Washington (Mỹ). Đây là hội nghị trực tiếp của IMF và WB đầu tiên kể từ năm 2019 - trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trước đó, tháng 7 vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống còn 3,2% và năm 2023 xuống còn 2,9%.