Người di cư đợi xe buýt tại khu vực Sentilj, đông bắc Slovenia ngày 28/10/2015, nhằm tiếp tục hành trình đi qua biên giới Slovenia - Áo. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ, bà Lagarde đã đưa ra quan điểm cá nhân của mình về viễn cảnh châu Âu và cho rằng cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã đẩy "lục địa già" đứng trước nguy cơ "một mất một còn", ngụ ý tới sự tồn tại hoặc tan rã của châu lục này. Người đứng đầu IMF cũng đã khẳng định mối nguy hiểm mà cuộc khủng hoảng di cư gây ra đối với Khu vực tự do đi lại Schengen trong EU.
Với hơn 1 triệu người di cư chạy trốn chiến tranh và nghèo đói ồ ạt kéo tới châu Âu trong năm 2015, trong khi dòng người di cư mới vẫn tiếp tràn vào "lục địa già" bất chấp nguy hiểm rình rập, vấn đề nhức nhối này đã trở thành một chủ đề quan trọng tại diễn đàn kinh tế thường niên lớn nhất thế giới tại Davos. EU đứng trước một bài toán nan giải khi cuộc khủng hoảng người di cư được coi là thách thức lớn có nguy cơ đe dọa sự ổn định về kinh tế và xã hội của "lục địa già" trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế vừa mới có dấu hiệu tạm thời lắng dịu.
Ngày 21/1, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cũng cảnh báo EU đã rơi vào nguy cơ "chia rẽ" trong nhiều vấn đề, bao gồm cả vấn đề dòng người tị nạn khổng lồ. Một số nhà quan sát cho rằng để đối phó với vấn nạn này, châu Âu cần tiếp tục tăng cường siết chặt kiểm soát biên giới. Trong khi đó, nhiều người lại hoài nghi việc xây hàng rào thép gai, đóng cửa biên giới và ngăn chặn dòng người di cư là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề người nhập cư hiện nay.