Tới thăm đất nước Liechtenstein giữa lòng châu Âu - Phần 2

Tới nay, khi nhắc tới Liechtenstein, thị trường tài chính phát triển vẫn là điều nhiều người biết tới nhiều hơn.

Ba trụ cột đảm bảo sự bền vững của nền kinh tế

Thực tế, Liechtenstein lại lấy công nghiệp sản xuất làm trụ cột chính của nền kinh tế với đóng góp 40% cho GDP, trong ngành công nghiệp thì khu vực chế tạo được xác định là nền tảng. Đây cũng là trụ cột thứ nhất của nền kinh tế Liechtenstein. Điều này giúp kinh tế Liechtenstein có sự ổn định trong các cuộc khủng hoảng tài chính thời gian vừa qua.

Chú thích ảnh
Lâu đài Vaduz, nơi ở hiện nay của Hoàng tử và gia đình.

Một điểm đáng chú ý khác trong nền kinh tế Liechtenstein chính là việc nước này xây dựng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trở thành lực lượng trụ cột của nền kinh tế. Các doanh nghiệp SME của Liechtenstein trung bình chỉ sử dụng dưới 10 lao động, song có chất lượng và hiệu quả lao động rất cao.

Tại Liechtenstein, có tới 4.025 doanh nghiệp, trong tổng số 4.567 doanh nghiệp của nước lày là các SME sử dụng dưới 9 lao động.

Vì thị trường nội địa quá nhỏ bé, toàn bộ ngành công nghiệp của nước này được phát triển theo định hướng xuất khẩu, trong đó chú trọng phát triển các loại hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao. Trong đó, phải kể đến ngành công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị xây dựng, thiết bị chính xác, thiết bị cho ngành nha khoa…

Trụ cột thứ hai là khu vực tài chính, dịch vụ, đóng góp khoảng 16% cho GDP. Theo ông Klaus Risch, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Liechtenstein, là một quốc gia nhỏ nhưng Liechtenstein có 15 ngân hàng, trong đó chỉ 5 ngân hàng là hoàn toàn thuộc sở hữu của Liechtenstein, song 3 trong số đó đã chiếm phần lớn thị phần.

Điều này giúp đảm bảo cho Liechtenstein có được sự tự chủ và nắm được quyền kiểm soát, điều tiết thị trường tài chính, ngân hàng. Với sự ổn định rất cao về chính trị, xã hội, và chỉ số xếp hạng tín dụng luôn ở mức AAA, Liechtenstein có lợi thế lớn để tiếp cận thị trường châu Âu và Thụy Sĩ.

Thậm chí nếu so với Thụy Sĩ trong khả năng tiếp cận thị trường EU, Liechtenstein còn có lợi thế hơn vì mức độ mở của Liechtenstein với khu vực EU là mạnh hơn. Một quan chức tài chính của Liechtenstein cho biết nếu Thụy Sĩ chỉ mở cửa việc tự do đi lại của người dân, lao động với EU và đóng cửa thị trường dịch vụ với EU thì Liechtenstein lại không đi theo chính sách này.

Với mối quan hệ truyền thống đặc biệt với Thụy Sĩ, Liechtenstein sử dụng luôn đồng Franc của Thụy Sĩ làm đồng tiền quốc gia. Liên minh Quan thuế với Thụy Sĩ giúp nước này có được quyền ưu đãi đặc biệt trong việc tiếp cận thị trường Thụy Sĩ.

Chú thích ảnh
Phóng viên TTXVN trao đổi với Hiệu trưởng trường Đại học Liechtenstein, một trong ba trường đại học của Liechtenstein.

Trụ cột thứ 3 để đảm bảo một quốc gia Liechtenstein phát triển thịnh vượng chính là giáo dục.

Liechtenstein đặc biệt coi trọng hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D) vì nước này xác định phát triển một nền kinh tế tri thức với các ngành công nghiệp chất lượng cao mới có thể cạnh tranh được với các cường quốc kinh tế láng giềng.

Với khoảng 10% GDP được chính phủ đầu tư ngược trở lại hoạt động R&D, Liechtenstein là nước có tỷ lệ đầu tư cho R&D trên GDP cao gấp 3 lần so với trung bình của khối OECD. Theo Hiệu trưởng trường Đại học Liechtenstein, trường đại học lớn nhất của Liechtenstein trong hệ thống 3 trường đại học của nước này, triết lý giáo dục của Liechtenstein đó là “khơi dậy trách nhiệm trong từng trái tim của người học”.

Ông chia sẻ một quan điểm rất thú vị để giải quyết bài toán thu hút nhân tài cho quốc gia, đó là “sự thấu hiểu về văn hóa quốc gia, quan trọng hơn vấn đề đãi ngộ”. Ông cho rằng để một người tài ở lại cống hiến cho đất nước Liechtenstein, người đó cần hiểu và thấm nền tảng văn hóa quốc gia.

Thu hút nhân tài được xác định là một trong ba thách thức mà Liechtenstein quan tâm giải quyết hiện nay, Phó Thủ tướng Daniel Risch (kiêm Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng, kinh tế và thể thao) nhấn mạnh.

Liechtenstein cũng là quốc gia giải quyết vấn đề lao động tốt nhất thế giới. Thống kê do quan chức chính quyền Liechtenstein cung cấp cho hay năm 2017, nước này đã tạo ra số lượng công việc làm nhiều hơn số dân của nước này.

Còn theo Đại sứ Liechtenstein tại Geneva Peter Matt, tỷ lệ thất nghiệp của Liechtenstein dao động khoảng 1,7%. Nhưng có một điểm đáng lưu ý là có tới 55% lực lượng lao động của Liechtenstein đi sang các nước láng giềng làm việc và trở về nhà mỗi ngày, trong đó Đức là điểm đến hàng đầu của người lãnh đạo Liechtenstein, tiếp sau đó là Thụy Sĩ.

Ở chiều ngược lại, dù chỉ có 38.000 người dân, nhưng tại Liechtenstein đón tới 10.000 người Thụy Sĩ, 8.000 người Áo và 2.000 người Đức tới làm việc mỗi ngày. Những con số này chứng tỏ mức độ mở của nền kinh tế Liechtenstein đối với bên ngoài.

Tuy nhiên, để quản lý được đất nước trước nguy cơ làn sóng nhập cư, mỗi năm Liechtenstein chỉ cho phép cấp cho 68 người nước ngoài quy chế được sống lâu dài tại quốc gia này.

Quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp kỷ lục

Theo số liệu do Đại sứ Liechtenstein tại Bern Doris Frick cung cấp, mỗi năm Liechtenstein có khoảng 1.200 trường hợp phạm tội. Trong đó, từ 120-150 là phạm tội trộm cắp, không có tội phạm buôn bán ma túy, và trong 3-4 năm mới có một vụ án mạng xảy ra.

Là một quốc gia có thị trường tài chính phát triển, có lẽ do vậy tội phạm tài chính chiếm tỷ lệ cao trong số các dạng tội phạm ở nước này với 197 trường hợp/năm (thống kê của năm 2017).

Có lẽ đó là lý do khiến Liechtenstein là quốc gia có bộ máy an ninh rất nhỏ bé, chỉ với 125 nhân lực làm việc cho lực lượng cảnh sát, trong đó số nhân viên cảnh sát là 82 người. Liechtenstein cũng là quốc gia hiếm hoi trên thế giới không có lực lượng quân đội.

Chú thích ảnh
Chiếc vương miện của Hoàng tử Liechtenstein được trưng bày trong bảo tàng Nghệ thuật tại thủ đô Vaduz.

Vẫn theo nữ Đại sứ Frick, một lý do Liechtenstein giải tán lực lượng quân đội đó là lý do kinh tế, vì để duy trì một lực lượng quân đội với quốc gia này là quá tốn kém. Ngoài ra, theo bà, Liechtenstein tin rằng với chính sách đối ngoại theo đường lối trung lập của mình, Liechtenstein có thể đảm bảo được an ninh quốc gia và bảo vệ mình khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài.

Nhưng hiện tại Liechtenstein cũng phải đối mặt với một số thách thức. Theo Phó Thủ tướng Daniel Risch, Liechtenstein hiện nay phải giải quyết với 3 thách thức cơ bản. Một là, vấn đề tiếp cận thị trường nước ngoài. Liechtenstein là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu do quy mô của thị trường nội địa quá nhỏ, do vậy, trên 50% hàng hóa sản xuất của Liechtenstein là để xuất khẩu.

Điều này đặt ra nhu cầu tiếp cận thị trường nước ngoài đối với Liechtenstein là một yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế Liechtenstein. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng do những chính sách thương mại của chính quyền Mỹ và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, việc tiếp cận thị trường nước ngoài trở thành một vấn đề mà Liechtenstein quan tâm.

Chú thích ảnh
Đại sứ Liechtenstein tại Geneva và tại Bern trao đổi về chính sách đối ngoại của Liechtenstein.

Loại hàng hóa mà Liechtenstein tập trung phát triển đa phần là những mặt hàng chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn để cạnh tranh.

Hai là, bài toán thu hút chất xám. Do Liechtenstein là nước nhỏ, không có được sự sôi động như các thành phố lớn khác của châu Âu, nên khó khăn trong việc thu hút nhân tài.

Ba là, giải quyết sự quá tải của cơ sở hạ tầng. Liechtenstein đang phải đối diện với nạn tắc đường hàng ngày do mỗi ngày có khoảng 20.000 lượt người đi lại qua biên giới để làm việc.

Liechtenstein và những con số đặc biệt

0: Không có nợ công, Liechtenstein là một trong 5 quốc gia duy nhất trên thế giới mà chính phủ không có nợ công.

1: Tại Liechtenstein chỉ có 1 đường hầm, 1 giám mục, 1 tiệm McDonalds, 1 tiệm Subway (ăn nhanh), 1 nhà tù.

2/3: Hai phần ba địa hình của Liechtenstein là đồi núi, 1/3 còn lại là tương đối bằng phẳng với dòng sông Rhin là biên giới tự nhiên giữa nước này và Thụy Sĩ.

8: Là số lượng các cơ quan đại diện ngoại giao của nước này ở nước, trong đó có Thụy Sĩ, Đức, Áo, Brussels, Mỹ. Còn lại, Liechtenstein thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao của Thụy Sĩ để đảm bảo quyền lợi của nước này ở nước ngoài.

Liechtenstein cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới có hệ thống đường tàu đi tới 11 ngôi làng trên khắp cả nước.

Liechtenstein là quốc gia có tỷ lệ vận động viên đạt huy chương Olympic/số dân cao nhất thế giới. Theo một hướng dẫn viên du lịch của Liechtenstein, cứ 8 người dân Liechtenstein thì có 1 người có được huy chương Olympic.

Nhưng Liechtenstein cũng là quốc gia phương Tây chậm hợp pháp hóa quyền bầu cử của phụ nữ nhất khi mãi tới năm 1984, phụ nữ nước này mới có quyền đi bầu cử. Trong số 5 bộ trưởng của Nội các nước này hiện nay, chỉ có duy nhất Bộ trưởng Ngoại giao là nữ và trong tổng 25 nghị sĩ chỉ có 3 người là nữ giới. Đây là một xu hướng khác hẳn với phong trào đòi nữ quyền ở các nước phương Tây.

Bài, ảnh: Nguyễn Thái (P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)
Tới thăm đất nước Liechtenstein giữa lòng châu Âu - Phần 1
Tới thăm đất nước Liechtenstein giữa lòng châu Âu - Phần 1

Nằm giữa lòng châu Âu, tiếp giáp với 2 nước láng giềng Thụy Sĩ ở phía Tây và Áo, Liechtenstein là quốc gia có diện tích nhỏ thứ 4 ở Lục địa già và ít được người dân thế giới biết đến mặc dù đã có lịch sử 300 năm thành lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN